Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc, Ngân Trọc, Phú Lê, Quang Rambo... đang nổi lên như hiện tượng, với tên gọi chung là "giang hồ mạng".
Họ thường xuyên đưa lên mạng các video ăn chơi nhậu nhẹt, văng tục, chửi thề, thách thức, cầm súng, mã tấu, gậy gộc đi "giải quyết công việc" hay phô trương thanh thế.
Dù những người này luôn tự nhận "quân tử", "sống hết mình với anh em" nhưng cách họ thể hiện khiến nhiều người lo ngại về hiện tượng bạo lực lên ngôi. Nhất là khi cộng đồng YouTuber "giang hồ" đang ngày càng bành trướng, nhận được sự quan tâm, tò mò, theo dõi của không ít thanh thiếu niên.
Nhiều kênh YouTube ăn theo sức hút của "giang hồ mạng" bằng việc tự đưa ra bảng xếp hạng các gương mặt nổi tiếng nhất trong giới. Ảnh cắt từ clip. |
Mạnh tay ngăn chặn khi con bị đầu độc bởi 'giang hồ mạng'
"YouTube bây giờ chẳng khác nào nồi lẩu thập cẩm", Quỳnh Hương (24 tuổi, nhân viên sáng tạo nội dung) nhận xét kèm lý giải nền tảng video này chứa nhiều nội dung mang tính giáo dục, giải trí cao, nhưng cũng tồn tại hàng nghìn video độc hại từ ăn thịt động vật trong sách đỏ, chế pháo, khoe thân đến vỗ ngực tự xưng "dân anh chị".
Hương nói mình "dị ứng" với hai từ "giang hồ" khi gần đây nó xuất hiện nhan nhản từ web drama của nghệ sĩ hài nổi tiếng tới các video hành xử bạo lực kiểu "xã hội đen".
Tuy nhiên, toàn bộ video liên quan đến "giang hồ mạng" đều không được giới hạn độ tuổi. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý trẻ dưới tuổi vị thành niên nếu chúng xem được.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, chị Hà Hiền (31 tuổi, Phú Thọ) hốt hoảng khi thấy em trai sinh năm 1992 cắt kiểu đầu “không giống ai”. Hỏi ra mới biết chàng trai, đang làm việc tại một khu công nghiệp, để tóc theo Khá Bảnh.
Dù chưa biết Khá Bảnh là ai và có sức ảnh hưởng tới đâu, chị Hiền vẫn bắt em trai đi sửa lại kiểu đầu. Lên mạng tìm hiểu về nhân vật này, đập vào mắt chị là hàng loạt video mang yếu tố bạo lực, "xã hội đen".
Nội dung liên quan tới "giang hồ" xuất hiện nhan nhản trên YouTube. Ảnh chụp màn hình. |
"Chỉ trong một video 'dạy dỗ ' đàn em, cậu ta buông ra không biết bao nhiêu từ tục tĩu. Các nội dung được đưa lên cũng không hề lành mạnh nhưng không hiểu vì sao thu hút tới 1,7 triệu subscribe. Những video này đang đầu độc giới trẻ Việt với tư tưởng, lối sống xấu", Hà Hiền khẳng định.
Người phụ nữ 31 tuổi cũng cho hay chị đã thẳng thắn đề nghị em trai mình không tiếp tục xem những video của Khá Bảnh. Biết được một số nam sinh cấp 2, 3 gần nhà cũng coi "giang hồ mạng" này là "thần tượng", chị Hiền nói chuyện với phụ huynh của họ để tìm cách ngăn chặn.
Phụ huynh Thu Cúc (30 tuổi, Yên Bái) cũng đồng tình với lựa chọn thẳng tay cấm đoán khi thấy con em mình theo dõi, ủng hộ các kênh YouTube giang hồ.
"Có mạnh tay ngăn chặn các con mới ý thức được sự độc hại và nghiêm trọng của các video 'xã hội đen' mà dừng lại. Tôi khá nghiêm khắc trong việc dạy con nhưng rất ít khi cấm đoán con điều gì. Bởi vậy, một khi tôi đã ban hành 'lệnh cấm' thì con cũng nghiêm túc thực hiện".
Cùng con theo dõi các nội dung trên mạng để định hướng
Phụ huynh Trúc Như (30 tuổi, Hà Tĩnh) bày tỏ quan điểm dạy con theo kiểu "yêu cho roi cho vọt" giờ quá cũ và có thể gây cho trẻ những chấn động về tâm lý. Bởi vậy, trong mọi trường hợp, không riêng gì việc kiểm soát con theo dõi các kênh YouTube giang hồ, chị đều chọn cách tham gia cùng con để hiểu và định hướng.
Con gái chị Như là bé Hà Linh, năm nay 10 tuổi. Bé được cha mẹ cho phép sử dụng điện thoại iPad để phục vụ học tập, giải trí, cũng như việc liên lạc mỗi khi cần.
Vào buổi tối sau khi hoàn thành bài tập về nhà, Hà Linh được phép sử dụng thiết bị công nghệ cho đến 30 phút trước giờ đi ngủ.
"Đương nhiên không thể tin tưởng hoàn toàn vào YouTube. Cha mẹ cần chú ý nhiều hơn đến việc con em mình thực sự đang xem những gì trên mạng"
Kostantinos Papadamou - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Công nghệ Cyprus
Vợ chồng chị Như cài YouTube Kids cho Linh bởi ứng dụng này được quảng cáo là chứa những nội dung dành riêng cho trẻ em và hỗ trợ phụ huynh một số tính năng như quản lý giờ xem cùng các nguồn phát.
Tuy nhiên, trên thực tế, nền tảng này vẫn chứa những video có nội dung bạo lực, không phù hợp với trẻ em.
Chị Như cho rằng thời nay, nhiều bậc cha mẹ đang bỏ rơi con trên mạng. Họ không kiểm soát được con xem gì, thời gian con xem, không chỉ dẫn con nên hay không nên làm gì trên thế giới ảo, dẫn đến nhiều hệ lụy.
"YouTube hay YouTube Kids đều tồn tại những nội dung tốt, xấu đan xen. Tôi chưa bao giờ cấm con không được tham gia vào đó mà giống như một người bạn, tôi sẽ hỏi con đang xem gì và xin tham gia cùng. Sau khi đã hiểu về những gì con đang truy cập, tôi sẽ hướng dẫn con sử dụng sao cho hiệu quả và biết phản ứng trước những thứ nguy hại trên môi trường mạng", người mẹ bày tỏ.
Chuyên gia tâm lý người Anh Emma Kenny đưa ra lời khuyên dù bận đến đâu, cha mẹ cũng cần giao tiếp với con, nắm bắt được chúng xem gì trên YouTube và luôn để trẻ cảm nhận chúng được yêu thương, tin tưởng và bảo vệ.
Sau bài viết của Zing.vn về hiện tượng loạn kênh YouTube giang hồ hút người xem bằng nội dung bạo lực, nhiều độc giả đặt câu hỏi: Không hiểu các kênh này có gì?
Vậy là, dù muốn cấm đoán, nhưng những người lớn cũng không thật sự hiểu con, em họ đang theo dõi cái gì.
Trong câu chuyện ứng xử với các "giang hồ mạng" như Khá Bảnh hay "hội anh em" của anh ta, nếu các thanh thiếu niên được người lớn định hướng tốt, biết phân biệt giữa kênh chính thống nên theo dõi và kênh chứa nội dung xấu cần bài trừ, chắc chắn cộng đồng YouTube "xã hội đen" không thể phát triển, thậm chí có thể bị bài xích vì không mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng.