- Ung thư dạ dày là bệnh lý phổ biến về đường tiêu hóa và con số người mắc ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu ung thư dạ dày có thể lây từ người này sang người khác hay không?


Vì đâu dẫn đến ung thư dạ dày?

Trên thực tế, bệnh ung thư dạ dày là do rất nhiều yếu tố phức tạp kết hợp lại gây ra. Trong đó, chế độ ăn nhiều muối, đồ ăn nhanh và đồ nướng là một vài trong số những nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, tuổi tác càng cao, hút nhiều thuốc lá và thường xuyên sử dụng bia rượu khiến bạn có nguy cơ dễ mắc phải căn bệnh hết sức nguy hiểm này.

Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ rằng, có một mối liên hệ mật thiết giữa vi khuẩn HP và bệnh ung thư dạ dày. Chính loại vi khuẩn này là “thủ phạm giấu mặt” âm thầm gây nên nhiều bệnh lý cấp và mãn tính ở đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, viêm dạ dày thể teo, viêm hang vị dạ dày... từ đó rất dễ dẫn đến ung thư dạ dày. 

Cơ chế chuyển hóa từ viêm dạ dày mãn tính tới ung thư dạ dày cũng đã được hàng trăm công trình nghiên cứu quốc tế xác nhận. Loại vi khuẩn HP trong dạ dày cũng được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp loại vào tác nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày.

Những đường lây HP

PGS.TS.BS Trần Thiện Trung, trưởng phòng khám tiêu hoá bệnh viện đại học Y dược TP.HCM cho biết có nhiều đường lây nhiễm vi khuẩn HP: miệng - miệng (qua nước bọt từ đồ dùng vệ sinh cá nhân, hôn trực tiếp, mẹ nhai mớm cơm cho con…); dạ dày - miệng (trào ngược dạ dày - thực quản đưa HP từ dạ dày lên miệng, bám vào mảng cao răng gây lây nhiễm qua đường miệng).

“Nguy cơ lây nhiễm cao nhất vẫn là do cách ăn uống chung trong gia đình có người nhiễm HP, mọi người chấm cùng một chén nước mắm hay người bị nhiễm không dùng đũa riêng...”, BS Trung nói.

{keywords}


Ngoài những đường lây trên, theo TS.BS Lê Thị Hồng Thu, hội Khoa học tiêu hoá Việt Nam, vi khuẩn HP còn có thể lây qua phân người (do không rửa tay sạch sau khi đi tiêu và trước khi ăn; hay qua trung gian côn trùng như ruồi, gián... khi thức ăn không đậy kỹ); nước cũng có thể là trung gian truyền bệnh (HP hiện diện trong nguồn nước ngầm, nước giếng, nước thải chưa qua xử lý)...

“Phát hiện khuẩn HP ở mèo cho thấy động vật là một nguồn lây nhiễm”, BS Thu cho biết.

Ung thư dạ dày có bị lây không?

Đây là một câu hỏi nhận được sự quan tâm của rất nhiều bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân.

Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy ung thư dạ dày có thể lây lan từ người này sang người khác. Lý do đơn giản vì, không có nguyên nhân cụ thể nào được phát hiện là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư dạ dày. Chẳng hạn như cùng nhiễm một chủng vi khuẩn HP thì có người bị ung thư dạ dày, nhưng có người lại không bị. 

Tuy nhiên, việc sinh sống, sinh hoạt lâu dài cùng người bị ung thư dạ dày có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày bởi lẽ sự chia sẻ thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống, lây nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày...

Đây có thể cũng là lý do tại sao một số quần thể trong đó có các gia đình, cộng đồng dân cư lại có tỷ lệ nhiễm HP cao, tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn so với các quần thể khác.

Trong quá trình điều trị bệnh lý dạ dày - tá tràng, các bác sĩ phát hiện nhiều trường hợp người thân trong cùng gia đình đến khám với biểu hiện khá giống nhau: ăn không tiêu, ợ hơi, đau bụng trên rốn, đầy bụng, hơi thở có mùi hôi… Xét nghiệm thường cho kết quả cả gia đình đều nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP).

Phòng ngừa là quan trọng nhất

HP được xem là nguyên nhân của nhiều bệnh lý dạ dày - tá tràng, hiện vẫn chưa tìm được vắc xin hữu hiệu. Do đó, đề ra các biện pháp phòng ngừa là hết sức cần thiết. Nên dọn mỗi người một khẩu phần riêng, hoặc khi ăn lấy riêng mỗi người một chén nước chấm rót vừa đủ.

Tập thói quen sử dụng muỗng chung cho từng món; khi ăn chung, gắp thức ăn chung phải trở đầu đũa. Cũng cần lưu ý không ăn rau sống rửa không sạch, tránh dùng nguồn nước ao hồ, sông suối...

Các bác sĩ cũng lưu ý mọi người cần xử lý các chất thải và phân cho vệ sinh: Tuyệt đối không dùng phân để bón và tưới cây, tưới rau. Vệ sinh trong nhà trường cũng hết sức lưu ý để tránh lây nhiễm cho trẻ, như không dùng muỗng chung để đút thức ăn cho nhiều cháu, chú ý dọn sạch chất nôn ói từ trẻ.
Những chất nôn và nhất là vừa mới nôn ở trẻ em là con đường lây nhiễm HP thường gặp tại học đường. Cần thay đổi thói quen lấy tay thấm nước bọt đếm tiền, lật tài liệu... Rửa tay sạch trước khi ăn. Bỏ thói quen mẹ nhai cơm nát đút cho con.

Thực hiện đúng những lời khuyên trên sẽ giúp bạn phòng ngừa tối đa việc lây nhiễm HP và ung thư dạ dày.

Khuê Minh