Tiến vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao
Phác thảo "bức tranh" về dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài, đầu tư tại 81 quốc gia/vùng lãnh thổ, tổng vốn gần 23 tỷ USD. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 400 – 500 triệu USD đầu tư ra nước ngoài. So với quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay khoảng 430 tỷ USD, quy mô đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt còn khiêm tốn - chiếm 0,15%. Nhìn sang Trung Quốc có quy mô đầu tư ra nước ngoài 180 – 200 tỷ USD/năm, tương đương 1% GDP.
Việt Nam cũng có một số chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài song các nguồn hỗ trợ còn khá hạn hẹp. Trong khi đó, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… có hẳn quỹ hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp. Đáng chú ý, Trung Quốc có quỹ khoảng 5 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khoáng sản ra nước ngoài. Việt Nam chưa có những quỹ như vậy.
Giai đoạn đầu trên hành trình Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, hầu hết chỉ có các doanh nghiệp nhà nước, nhưng 5 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp tư nhân đã gia tăng. Thống kê mới đây cho hay, trong tổng số dự án Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 46%, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam 0,5%, cá nhân 1,5%; khối doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm 52% nhưng riêng năm 2023, không có dự án mới nào.
Về hình thức đầu tư ra nước ngoài, 91% vẫn đầu tư theo hình thức lập tổ chức kinh tế tại nước ngoài. Gần đây đang gia tăng đáng kể xu hướng doanh nghiệp Việt tham gia hoạt động góp vốn mua cổ phần tại các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Với hình thức này, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng thị trường, công nghệ của các doanh nghiệp ngoại.
“Không chỉ tập trung vào các quốc gia có điều kiện cơ chế chính sách tương đồng Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar…, khoảng 5 năm nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt dần mở rộng sang các nước phát triển, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Úc, Singapore… Đây là sự thay đổi đáng kể trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài thời gian qua”, ông Chung nhận xét.
Bên cạnh hoạt động đầu tư theo chiều rộng vào các lĩnh vực khoáng sản, nông lâm nghiệp… có sự thâm dụng tài nguyên, đất đai, nhiều doanh nghiệp đang triển khai dự án chiều sâu, tiến vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn như chế biến - chế tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng, công nghệ cao… Trong lĩnh vực công nghệ số, FPT và một số tập đoàn khác đã “gặt hái” thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hiện Việt Nam đã ký kết với gần 80 quốc gia/vùng lãnh thổ về hiệp định khuyến khích và bảo vệ đầu tư; khoảng 80 quốc gia/vùng lãnh thổ về hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Đây là 2 nội dung rất quan trọng để bảo vệ, bảo hộ cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng cảnh báo thực trạng nhiều doanh nghiệp Việt, thậm chí doanh nghiệp lớn, chưa quan tâm đúng mức tới việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ cơ chế, chính sách pháp luật của thị trường quốc tế, dễ vấp phải rủi ro pháp lý.
Ông Chung khuyến nghị doanh nghiệp Việt khi “ra biển lớn” cần phải nắm chắc các vấn đề pháp lý – được ví như “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp không bị “chìm” khi gặp “bão”.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần cẩn trọng khi đầu tư sang những địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, nền tảng pháp lý chưa thực sự tốt. Có trường hợp kiện ra tòa cũng không giải quyết được vì người bị kiện không có khả năng đáp ứng yêu cầu, thậm chí không có cơ chế để buộc họ phải tuân thủ phán quyết.
Nhận diện rủi ro
PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Chính sách công, Đại học Fullbright Việt Nam lưu ý, một điển hình của khối doanh nghiệp nhà nước là “người khổng lồ” PVN, đã có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài thành công, nhưng cũng có cả dự án 'sa lầy' như dự án tại Venezuela.
Tương tự, Viettel đã hiện diện tại 13 thị trường ngoại, bên cạnh những thị trường đang thu “trái ngọt” như Tanzania, Mozambique…, thì cũng có thị trường chưa thành công như ý.
Vì sao doanh nghiệp Việt có thể thành công ở quốc gia này nhưng lại không thành công ở quốc gia khác? Câu trả lời ông Nghĩa đưa ra: “Những rủi ro tiềm ẩn ở từng quốc gia”.
Theo ông Nghĩa, đầu tư ra nước ngoài cũng giống như một cuộc hôn nhân, nếu không tìm hiểu kỹ, rủi ro sẽ rất lớn.
“Trong tổng số 6,6 tỷ USD mà PVN đầu ra ra nước ngoài, gần 1 tỷ USD nằm ở dự án tại Venezuela. Có khi lỗi cũng là do mình chưa tìm hiểu kỹ”, ông Nghĩa nêu quan điểm cá nhân.
Thế giới nhiều biến động, những phản ứng của chính phủ hoặc của cộng đồng xã hội nơi tiếp nhận đầu tư có thể tạo nên rủi ro cho doanh nghiệp Việt. Cùng với đó, rủi ro nhiều khi còn đến từ chính mình.
Khi “phát triển bền vững – ESG” trở thành từ khóa thu hút sự quan tâm của toàn cầu, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài phải chú ý hơn tới các tiêu chí thân thiện với môi trường.
“Như câu chuyện cách đây khoảng 10 năm, Tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư sang Lào, Campuchia. Nếu không có chính sách để ứng xử phù hợp, những nhóm bảo vệ môi trường sẽ tạo sức ép, gây khó khăn rất lớn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp”, ông Nghĩa dẫn ví dụ minh họa.
PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa “mách nước” cho doanh nghiệp Việt một số chiến lược đối phó rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư ra nước ngoài.
Trước hết, thể chế nào, doanh nghiệp ấy. Hãy nhớ nằm lòng câu “Nếu anh ở La Mã thì hãy ứng xử như người La Mã”. Ngoài việc tuân thủ các thể chế của quốc gia sở tại, cần tích cực tham gia cả quá trình xây dựng chính sách, gây thiện cảm với các thể chế chính trị ở đó.
Mặt khác, nên tạo liên minh tại thị trường ngoại để bổ khuyết những kỹ năng mình còn thiếu, đây cũng là một "chiêu" hay để giảm bớt rủi ro.
Doanh nghiệp lớn khi đầu tư ra nước ngoài dứt khoát phải có bộ phận pháp chế, chịu trách nhiệm xác định các loại rủi ro, đo lường rủi ro, đưa ra những giải pháp, thiết lập thể chế thực thi, giám sát quá trình quản trị rủi ro… Với những nội dung mà nhóm pháp chế doanh nghiệp bị giới hạn bởi tầm nhìn và kỹ năng, hãy thuê các công ty luật chuyên nghiệp.
“Các cụ có câu rất hay “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Trước khi gia nhập thị trường, nếu đầu tư đúng mức cho hoạt động đánh giá phòng ngừa rủi ro sẽ tránh được thiệt hại lớn. Muốn tránh “thảm họa cháy nhà”, cần “thiết kế lối thoát từ khi lên bản vẽ ngôi nhà”. Phải tập trung rất nhiều nguồn lực để phân tích rủi ro trước khi gia nhập thị trường. Phân tích rủi ro phải theo thời gian thực. Để xảy ra rủi ro, doanh nghiệp không chỉ tốn tiền bạc, mất uy tín, mà còn nhiều thiệt hại khó lường khác”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Trương Nhật Quang, Luật sư Điều hành Công ty Luật YKVN: Các khoản đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài không chỉ ở những ngành truyền thống, đã có những doanh nghiệp đi vào những ngành công nghệ có hàm lượng "chất xám" rất cao. 2 ví dụ điển hình gồm: Masan đầu tư vào công ty AI (trí tuệ nhân tạo) và fintech (công nghệ tài chính); Vingroup đầu tư công nghệ sản xuất ô tô điện. Có những doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng sản xuất kinh doanh tới mức doanh thu từ đầu tư ra nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu. Điển hình như Tập đoàn Viettel, 50% doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước này đang phát sinh từ hoạt động đầu tư tại nước ngoài. |