1.jpg.jpg
Việc tuyên truyền về lợi ích của chữ ký số còn hạn chế. Ảnh: TH.

Thị trường tiềm năng

Tại hội thảo “Hiện trạng và kế hoạch thúc đẩy triển khai ứng dụng chữ ký số” do Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ TT&TT phối hợp tổ chức ngày 22/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Hùng - Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử chuyên dùng của Chính phủ khẳng định: Hiện hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng đã triển khai cho hàng nghìn chứng thư số, phần mềm phục vụ ký xác thực trên hệ thống thư điện tử. Ngoài ra, chứng thực chữ ký số đã được Ban cơ yếu Chính phủ cấp cho Viện Kiểm sát, Bộ Công an (tích hợp cho thư điện tử), Bộ Tài chính sử dụng vào các giao dịch nội bộ của ngành tài chính, Bộ Ngoại giao (tích hợp vào hệ điều hành tác nghiệp qua mạng)…

Đánh giá của các chuyên gia tham dự hội thảo cũng cho thấy, việc ứng dụng chữ ký số trong thực tế đang đem lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp như tiết kiệm thời gian luân chuyển, bảo đảm được bảo mật thông tin… Tuy nhiên, việc ứng dụng còn chậm bởi hàng loạt rào cản như mức độ quan tâm, ý thức của lãnh đạo nhiều đơn vị chưa mặn mà với chữ ký số…

Năm 2005, Luật Giao dịch Điện tử ra đời đã đánh dấu bước ngoặt trong quá trình xây dựng khung pháp luật cho giao dịch điện tử. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số và các Nghị định có liên quan về giao dịch điện tử trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, thương mại.

Hàng loạt bất cập

Đặt trong thực tế “tuổi đời” của ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam còn non trẻ (chỉ khoảng 2 năm trở lại đây), việc xuất hiện các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ và nhu cầu lớn đến từ các cơ quan, đơn vị đang tỏ rõ những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên đây là một sức ép lớn được đặt ra đối với việc ứng dụng chữ ký số trong nước.

Trước hết, đó là tính sẵn sàng của hạ tầng kỹ thuật. Theo ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số Quốc gia (Bộ TT&TT), với số lượng người dùng cuối không quá đông thì hệ thống có thể đáp ứng, nhưng nếu với số lượng lớn, phạm vi rộng với những mức độ sử dụng khác nhau vào cùng thời điểm, gây vượt quá khả năng đáp ứng thì hoạt động của hệ thống sẽ dễ bị ngừng trệ. Ông Khả cũng nhấn mạnh việc ứng dụng chữ ký số đòi hỏi sự tương tác rất lớn, được triển khai rộng rãi nên đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật đồng bộ giữa các đơn vị.

Theo nội dung được qui định trong Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 về chứng thực chữ ký số thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần có 5 tỷ đồng ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam hoặc có giấy bảo lãnh của một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam không dưới 5 tỷ đồng trong trường hợp xảy ra sự cố (như bị thu hồi giấy phép). Tuy nhiên, theo ông Khả thì trong thực tế 5 tỷ đồng sẽ không đủ để bảo lãnh vì một hệ thống có thể vận hành đảm bảo chứng thực chữ ký số cấp ra không chỉ có giá trị trong thời điểm hiện tại mà còn phải duy trì từ 7 - 8 năm sau để khi cần đối chiếu vẫn có thể kiểm chứng được. Do vậy, đây chính là một bất cập chưa phù hợp. Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử chuyên dùng của Chính phủ Nguyễn Hữu Hùng cũng nhấn mạnh đến hàng loạt rào cản đối với câu chuyện ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam hiện nay như nhận thức về vai trò của chữ ký số chưa thấu đáo, chưa chú trọng tích hợp chữ ký số vào trong các ứng dụng, các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số và cơ quan quản lý chưa đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực này.

Thực trạng khó khăn nêu trên đang đòi hỏi Việt Nam phải có một chiến lược dài hạn, các quy định liên quan đến chứng thực chữ ký số cần phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tế phát triển chung.

Theo ông Đào Đình Khả - Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số Quốc gia (Bộ TT&TT), cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số còn nhiều, chính vì vậy hiện nay đang có một số doanh nghiệp cũng muốn nhảy vào thị trường này.

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 128 ra ngày 25/10/2010.