Theo công ty nghiên cứu Sensor Tower, dựa trên top 5 tải về tại 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, các ứng dụng Trung Quốc như TikTok đang chiếm 1/3 tổng lượt tải xuống trong quý I/2023 trên cửa hàng Google và Apple.
Trong 475 ứng dụng hàng đầu của quý đầu tiên, 156 ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, chiếm 33% tổng số và tăng 8 điểm so với năm 2020.
TikTok của ByteDance, nền tảng chia sẻ video ngắn, là ứng dụng phổ biến nhất khi lọt vào top 5 tại 82 thị trường, chiếm 86% tổng số. Ứng dụng chỉnh sửa video CapCut cũng đang phát triển nhanh chóng, lọt vào top 5 tại 48 thị trường, chiếm 51% tổng số.
Nền tảng Shien của nhà cung cấp thời trang nhanh đang trở nên phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt mạnh mẽ ở châu Âu và Nam Mỹ. Ứng dụng nằm trong top 5 ở 10 quốc gia, bao gồm cả Tây Ban Nha và Brazil.
Tại Mỹ, các ứng dụng Trung Quốc chiếm vị trí số 1, số 2, số 3 và số 5. Mặc dù nằm trong top 5 ở khoảng 90% quốc gia và vùng lãnh thổ, song các ứng dụng Trung Quốc không xuất hiện ở top 10 tại một số quốc gia như Ấn Độ và Nhật Bản.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang thắt chặt hạn chế đối với các ứng dụng của Trung Quốc, do lo ngại về an ninh quốc gia. Ở Mỹ và châu Âu, các quan chức nhà nước đã bị cấm cài đặt những ứng dụng này trên các thiết bị do chính phủ cấp.
Trong một báo cáo của Uỷ ban đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, ứng dụng Shein bị cáo buộc có nguy cơ vi phạm dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ.
Bất chấp những trở ngại này, các ứng dụng Trung Quốc vẫn “sinh sôi nảy nở” nhanh chóng khi mức độ phổ biến của chúng tăng vọt. Ứng dụng được tải xuống số 1 ở Mỹ và Canada trong quý đầu tiên là ứng dụng đặt hàng qua email Temu của Trung Quốc, được PDD Holdings ra mắt vào mùa thu năm 2022.
Trong khi các ứng dụng Trung Quốc tràn ngập mọi nơi, thì hầu hết ứng dụng nước ngoài vẫn không khả dụng ở đại lục do các quy định của Bắc Kinh. Sự mất cân bằng này có thể tạo thêm sức ép khiến chính phủ các nước tiếp tục siết chặt quản lý với các nền tảng có nguồn gốc từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
(Theo NikkeiAsia)