Ủy ban Olympic quốc tế đã tổ chức một chương trình nghị sự để bàn luận về cách tận dụng công nghệ AI vào trong các hoạt động tổ chức. Theo các thành viên hội đồng, AI có thể được sử dụng để giúp nhận định được tiềm năng ở các vận động viên, cá nhân hóa phương pháp huấn luyện và làm tăng tính công bằng, minh bạch cho các trận đấu bằng cách cải thiện khả năng đánh giá.
“Chúng tôi đã tiến thêm được một bước ngày hôm nay, để đảm bảo tính độc nhất của Thế vận hội Olympic lẫn tính liên quan của nó tới các lĩnh vực khác. Để làm được điều này, chúng ta phải là những người tiên phong thay đổi”, ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), phát biểu tại cuộc họp báo tại trường đua xe đạp thuộc Công viên Olympic London - nơi tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 2012.
“Chúng tôi quyết tâm khai thác tiềm năng to lớn của AI một cách có trách nhiệm”, ông Thomas Bach khẳng định.
Trước thềm Thế vận hội Paris, IOC đã công bố kế hoạch tổng thể về phương án sử dụng AI vào công cuộc tổ chức.
Bản kế hoạch AI của IOC cũng công bố việc sử dụng công nghệ này để bảo vệ các vận động viên khỏi vấn nạn quấy rối trực tuyến, đồng thời giúp các đài truyền hình cải thiện trải nghiệm xem trực tuyến cho những khán giả qua màn ảnh nhỏ. Việc bán bản quyền phát sóng các trận đấu giúp IOC thu được hàng tỷ đôla mỗi kỳ.
Ông Thomas Bach cho biết, một số dự án về AI sẽ được triển khai tại Thế vận hội Paris và IOC đã thành lập một nhóm công nghệ để tăng cường ứng dụng của công nghệ trong thể thao.
Ban tổ chức của Thế vận hội Paris đã làm dấy lên tranh cãi với kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo để đảm bảo an ninh, với hệ thống giám sát bao gồm camera tích hợp AI để cảnh báo các rủi ro bảo mật tiềm ẩn như các gói hàng bị bỏ rơi hoặc sự gia tăng đột biến của đám đông. Nhóm giám sát kỹ thuật số lo ngại rằng đề xuất hợp pháp hóa các hệ thống giám sát thông minh dù chỉ là tạm thời này sẽ vi phạm quyền riêng tư, mặc dù chính phủ Pháp khẳng định các hệ thống này sẽ không sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Khi được hỏi về những lo ngại, ông Thomas Bach nói với các phóng viên rằng việc quyết định “các công cụ tốt nhất để áp dụng nhằm bảo đảm an toàn cho Thế vận hội” là tùy thuộc vào chính quyền nước chủ nhà chứ không phải ở IOC.
“Những gì chúng tôi thấy từ chính phủ Pháp và các cơ quan chức năng là sự nỗ lực để đảm bảo an ninh ở Paris; họ thực sự rất chuyên nghiệp và có thể giám sát trên phạm vi rộng. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền Pháp”, ông chia sẻ thêm.
Vận động viên trượt tuyết Lindsey Vonn cho biết cô cảm thấy ghen tị khi những công cụ AI hỗ trợ này chưa xuất hiện ở thời của cô. Vonn cho biết ngày trước cô đã thực hiện ghi chép thủ công vào nhật ký biểu diễn của mình về ảnh hưởng của các loại ván trượt, ủng và nhiệt độ khác nhau lên màn trình diễn của cô như thế nào. Nhưng ngày nay, máy tính được sử dụng để thu thập nhiều dữ liệu trong một thời gian ngắn cũng như đưa ra các so sánh. Có thể nói rằng AI đã giúp các công cụ phân tích hoạt động hiệu quả hơn nhiều.
“Chúng không được sinh ra để thay thế các vận động viên hay cả việc huấn luyện, chúng được sinh ra để hỗ trợ các vận động viên và giúp thể thao đi theo chiều hướng ngày một tốt hơn”, Vonn chia sẻ.
IOC đã hợp tác với Intel để tìm kiếm các vận động viên tiềm năng ở những nơi ít ai chú ý đến. Công ty công nghệ này đã mang thiết bị của mình đến Senegal; họ đến thăm ngôi làng và phân tích tiềm năng thể chất của một nghìn trẻ em tại đây bằng cách đo lường sức bật và phản xạ của trẻ. Sau đó, những đứa trẻ được đánh giá là có tiềm năng sẽ thông qua một bài đánh giá và phân tích tiếp để nhận định được môn thể thao phù hợp.
Christoph Schell, giám đốc thương mại của Intel cho biết, bằng cách sử dụng AI để phân tích kết quả, “chúng tôi đã tìm thấy 40 kết quả thực sự hứa hẹn”.
Ban tổ chức Olympic cũng nhận thức được rủi ro mà AI mang lại. Ông Thomas Bach cảnh báo không nên để máy móc làm trọng tài để quyết định sự nghiệp của một vận động viên trẻ. Ông nói: “Một người là “vận động viên đấu vật cừ khôi” vẫn có cơ hội chơi quần vợt và thuật toán không có quyền quyết định việc này”.
(Nguồn ABC News)