Lợi thế về vị trí địa lý, có bờ biển kéo dài, nhiều eo vịnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi thủy sản mặn, lợ, trong đó có nuôi tôm phát triển. Những năm qua, nghề nuôi tôm nước lợ liên tục tăng về diện tích, sản lượng, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Nhiều dự án nuôi tôm ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao được thực hiện đã góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm Việt Nam.

Ngành công nghiệp nuôi tôm nước lợ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Theo báo cáo từ Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 11/2024, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt khoảng 730.000 ha, với tổng sản lượng đạt 1,103 triệu tấn, trong đó tôm sú chiếm 234.200 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 795.800 tấn.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Cục Thủy sản cũng nhấn mạnh, ngành nuôi tôm nước lợ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế, trong đó nguồn giống tôm bố mẹ chưa chủ động được phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu và khai thác tự nhiên, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng; công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả chưa cao.

Mặt khác, phần lớn hạ tầng vùng nuôi tôm chưa bảo đảm khi hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với phục vụ sản xuất nông nghiệp; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh vùng nuôi tôm nước lợ mới dừng lại ở mức cảnh báo. Ngoài ra, giá thành sản xuất tôm nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực.

Năm 2024 vẫn là một năm khó khăn đối với ngành tôm Việt Nam do điều kiện thời tiết bất lợi, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào tăng cao, và thị trường tiêu thụ gặp nhiều rào cản, giá bán không ổn định.

Theo ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thời tiết nắng nóng kéo dài đã gây biến động lớn đối với môi trường nuôi tôm, ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi. Trong 10 tháng năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 22.269 ha, chủ yếu là tôm nước lợ.

Trong năm 2025, ngành tôm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Tôm sú được nuôi mạnh ở các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, và Ấn Độ sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Đồng thời, một số quốc gia tiêu thụ tôm đang tăng cường ưu tiên phát triển thủy sản nội địa, tạo ra các rào cản đối với tôm nhập khẩu.

Bên cạnh những thách thức, ngành tôm Việt Nam cũng có nhiều yếu tố thuận lợi, đặc biệt là nhu cầu tôm trên thế giới tăng, với Mỹ có kế hoạch áp thuế tôm Việt Nam thấp hơn, trong khi Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu tôm từ Ecuador.

Theo Cục Thủy sản, việc nuôi tôm nước lợ ở nước ta còn nhiều hạn chế, trong đó nguồn giống tôm bố mẹ chưa chủ động được phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu và khai thác tự nhiên, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng; công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả chưa cao.

Mặt khác, phần lớn hạ tầng vùng nuôi tôm chưa bảo đảm khi hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với phục vụ sản xuất nông nghiệp; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh vùng nuôi tôm nước lợ mới dừng lại ở mức cảnh báo. 

Trong bối cảnh đó, nhằm bảo đảm nghề nuôi tôm phát triển bền vững, các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong thu thập thông tin ngành thuỷ sản, trong đó có sản phẩm tôm nước lợ.