Để hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh quan tâm phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền công nghệ số, công nghệ thông tin về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân là chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất, trang trại, gia trại.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản; phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa 53 nhà cung cấp với 108 sản phẩm OCOP kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử postmart; cung cấp thông tin của 9.598 hộ sản xuất nông nghiệp để cập nhật lên sàn giao dịch điện tử...
Các sở, ngành của tỉnh cũng tổ chức nhiều hội nghị tư vấn, đối thoại, giải đáp tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực phẩm chất lượng, an toàn theo chuỗi cho cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật...
Đến nay, sản lượng ở các vùng trồng trong tỉnh duy trì tương đối ổn định. Toàn tỉnh có 92 cơ sở được chứng nhận VietGAP với diện tích trên 1.000ha. Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Hội Nông dân phường Phương Nam (TP Uông Bí) thực hiện mô hình chuẩn hóa mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo tiêu chuẩn/hệ thống OTAS; phối hợp với Hội Nông dân các địa phương: Bình Liêu, Tiên Yên, Hạ Long triển khai thực hiện mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng quế, hồi, ổi theo tiêu chuẩn/hệ thống OTAS.
Tận dụng lợi thế công nghệ và thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp cũng tận dụng tối đa ưu thế công nghệ, mở nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok, thường xuyên chia sẻ sản phẩm nông sản và đưa sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử để tạo thuận tiện nhất cho việc mua bán hàng.
Các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh cũng tích cực hỗ trợ quảng bá nông sản của nông dân qua nhiều kênh khác nhau. Tại TP Uông Bí, năm 2024 là năm đầu tiên địa phương tổ chức livestream quảng bá hình ảnh quả vải chín sớm Phương Nam trên các nền tảng mạng xã hội. Sự kiện nằm trong chương trình Tuần hàng Việt Nam - Uông Bí năm 2024 do Trung tâm Xúc tiến và phát triển Công Thương Quảng Ninh tổ chức tháng 5 vừa qua.
Việc livestream bán sản phẩm vải chín sớm Phương Nam là cách làm mới, thiết thực để tôn vinh loại nông sản địa phương có chất lượng tốt. Các phiên livestream thu hút hàng chục ngàn lượt theo dõi và tương tác, góp phần đưa quả vải chín sớm Phương Nam tiếp cận nhiều và nhanh hơn với người tiêu dùng, mở ra cho bà con vùng vải chín sớm Phương Nam kênh quảng bá, bán hàng mới, bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Thống kê của thành phố, chỉ trong vòng 20 ngày thu hoạch, 100% sản lượng vải chín sớm Phương Nam được tiêu thụ, tổng doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, tăng gần 11 tỷ đồng so với năm 2023. Hiện vùng vải chín sớm Phương Nam đang trong lộ trình chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng theo chuẩn OTAS với các tiêu chí về lập bản đồ vùng trồng và giám định, kiểm soát chất lượng khắt khe. Đây là bộ quy chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chí để có thể xuất khẩu quả vải chín sớm Phương Nam vào các nước châu Âu...
Với nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân tích cực thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thiết thực nhất cho người nông dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản tham gia thương mại điện tử đạt hiệu quả cao. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi cho người kinh doanh cũng như người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Theo Nguyễn Huế (Báo Quảng Ninh)