Những sản phẩm robot "made in Vietnam" ứng dụng vào đời sống ở Việt Nam ngày càng nhiều.
Thay thế sản phẩm nhập khẩu
Tự hào là sản phẩm hoàn toàn "made in Việt Nam", đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo đồ gá quay và thiết bị di trượt robot dùng cho công nghiệp” của PGS.TS Bùi Văn Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thiết kế đã làm chủ công nghệ chế tạo đồ gá 2 trục quay và thiết bị di trượt robot nhằm mở rộng khả năng công nghệ của robot công nghiệp, thay thế cho việc nhập khẩu các thiết bị này từ nước ngoài.
Ứng dụng robot vào cuộc sống hàng ngày đang trở nên phổ biến trên thế giới. |
PGS.TS Bùi Văn Hạnh cho biết, thiết bị di trượt robot có khả năng mở rộng tầm công nghệ của robot, có thể mang robot đi tầm xa 5m đến 10m để robot có thể gia công được kích thước lớn hơn. Bên cạnh thiết kế, chi tiết được nội địa hóa, hệ thống phần mềm đi cùng với sản phẩm cũng được nhóm nghiên cứu tối ưu sao cho đơn giản, tiện lợi nhất với người sử dụng.
Hiện sản phẩm đã được ứng dụng tại nhiều công ty trên cả nước tại các địa phương như Bình Phước, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh do giá thành phù hợp.
Được biết, sản phẩm có giá từ 300 triệu đồng, rẻ hơn khoảng từ 50 đến 70% so với những thiết bị cùng loại.
Đây là một tín hiệu đáng mừng nhất là khi việc ứng dụng robot trong trong nhiều khâu sản xuất của ngành công nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta.
Nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh
Ngoài lĩnh vực công nghiệp, robot ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống và trong số đó không thể không kể đến lĩnh vực y tế.
Ứng dụng robot trong y học chẳng những nâng tầm y học nước nhà mà còn mở ra cơ hội cho người có thu nhập thấp được điều trị bằng kỹ thuật cao.
Mổ nội soi ứng dụng robot phẫu thuật. Ảnh minh họa. |
TS.BS. Phạm Duy Hiền, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, dưới sự trợ giúp của robot phẫu thuật trở nên rất chính xác và rất an toàn, không mất một giọt máu, đặc biệt không phải truyền máu trong mổ. Tất cả mọi thao tác, động tác đều vô cùng thuận lợi như là mình lập trình.
TS.BS. Hiền cho biết thêm, với đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ trên hình ảnh 3D, cho phép các “cánh tay” robot có thể xoay chuyển ở mọi góc độ, ngóc ngách của vị trí cần mổ mà cánh tay người phẫu thuật viên khó thực hiện.
Ưu việt của phẫu thuật nội soi robot là vùng phẫu thuật thu hẹp, ít xâm lấn, không gây sang chấn và ít chảy máu, mức độ cảm giác đau của bệnh nhân được hạn chế đến mức tối đa, nên trạng thái phục hồi sức khỏe nhanh, sau mổ, người bệnh điều trị không quá một tuần thì xuất viện.
Phẫu thuật nội soi bằng robot là một trong những đột phá không chỉ của Bệnh viện Nhi Trung ương mà còn của toàn ngành y tế Việt Nam. Hiện trên cả nước đã có nhiều đơn vị như bệnh viện Bình Dân hay Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM sử dụng robot để phẫu thuật, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Robot thay thế con người làm công việc hàng ngày
Ngoài lĩnh vực y tế, với công nghệ ngày càng phát triển, robot thậm chí còn được nghiên cứu để thay thế con người trong những công việc hàng ngày.
Điển hình là robot lễ tân tên là Skybot do nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM chế tạo đang được ứng dụng tại Nhà khách An Bình - một trong những nhà khách lớn nhất của tỉnh Ninh Bình đã làm hài lòng khách hàng với khả năng giao tiếp đáng ngạc nhiên.
Robot lễ tân SkyBot do nhóm SV Trường ĐH SPKT TP.HCM chế tạo. |
Theo anh Phạm Anh Tuấn, Khoa Cơ khí Chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TP.HCM thì các ứng dụng cần nhân viên lễ tân rất nhiều đối với nhà hàng, khách sạn, trường học, nên một Robot như thế này sẽ rất cần thiện để có thể trò chuyện và cung cấp thông tin về các khu vực địa điểm và các thủ tục cho người hỏi.
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo máy, Trường Đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM thông tin thêm, hiện nay robot đặc biệt là robot tiếp tân và robot dịch vụ là một mảng khá mới trên thế giới.
Chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cuộc cách mạng này với nền tảng là trí tuệ thông minh nhân tạo sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta.
Ở đây các bạn sinh viên đang đặt ra một vấn đề là chúng ta hướng tới cộng đồng, hướng tới sự văn minh cũng như có sự phục vụ của robot nhiều hơn đây là vấn đề chúng ta cần phải đầu tư nhiều, hơn giải quyết vấn đề robot phục vụ trong gia đình và nơi công cộng.
Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam vẫn chưa có một ngành công nghiệp robot thực sự nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp, viện trường trong nước đã thực hiện thành công một số sản phẩm robot được thị trường đón nhận. Đó là bước khởi đầu rất cần thiết để đón đầu Cuộc cách mạng 4.0 đang tới gần.
Hà Phương