Thống kê của Cục Lâm nghiệp cho thấy, cả nước hiện có khoảng 4 triệu ha rừng trồng, cung cấp từ 35-40 triệu m3 gỗ mỗi năm. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất, chế biến gỗ, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 15-17 triệu USD/năm. Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp cũng đứng trước thách thức về phát triển bền vững, yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ từ nhiều thị trường.

Thế nên, ứng dụng công nghệ số không chỉ hỗ trợ quản lý tài nguyên rừng mà còn tối ưu hóa quá trình sản xuất và bảo vệ môi trường, đáp ứng quy định của các thị trường xuất khẩu.

Đến nay, Cục Lâm nghiệp đã xây dựng nền tảng thông tin và cơ sở dữ liệu ngành lâm nghiệp FORMIS, cho phép giám sát tài nguyên rừng và hỗ trợ ra quyết định kịp thời; xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về giống cây trồng lâm nghiệp; CSDL về ngành công nghiệp chế biến gỗ...

W-lam nghiep.png
Ngành lâm nghiệp ứng dụng nhiều nền tảng công nghệ số để xây dựng cơ sở dữ liệu rừng. 

Cùng với đó, sử dụng ảnh vệ tinh và hệ thống cảnh báo sớm hỗ trợ ngành lâm nghiệp phát hiện sớm các dấu hiệu phá rừng, xâm nhập trái phép và nguy cơ cháy rừng. Các địa phương có thể tiếp cận và xử lý thông tin một cách kịp thời.

Ngành lâm nghiệp cũng đẩy mạnh sử dụng nền tảng số hóa Forestry 4.0. Ứng dụng này sử dụng công nghệ AI và IoT để phân tích dữ liệu lớn, qua đó cải thiện hiệu quả trong quản lý và khai thác rừng trồng.

Mới đây, Cục Lâm nghiệp phối hợp với các địa phương thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng tại các tỉnh thành ở nước ta thông qua ứng dụng công nghệ iTwood. Trên nền tảng số hoá này sẽ truy xuất nguồn gốc gỗ, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt từ các thị trường quốc tế như EU, Mỹ. Đây cũng là một công cụ quan trọng để chống lại khai thác trái phép và bảo vệ rừng bền vững.

Ông Nguyễn Tuấn Hưng - Trưởng phòng Chế biến và Thương mại lâm sản (Cục Lâm nghiệp), cho biết, việc xây dựng, việc cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu được giao cho Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh.

Theo đó, các Chi cục Kiểm lâm sẽ phối hợp chính quyền địa phương, người dân cùng các tổ chức liên quan kiểm tra, giám sát việc sử dụng mã số. Đồng thời, lập sổ theo dõi việc cấp mã số, lưu trữ hồ sơ cấp mã để sử dụng lâu dài phục vụ công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ và lâm sản.

"Mã số vùng trồng rừng là những viên gạch đầu tiên trong việc số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tài nguyên rừng tại địa phương, phục vụ công tác xác định vị trí lô rừng gắn với chủ rừng và quyền sử dụng đất của họ", ông Hưng cho hay. Nhờ vậy, từng lô rừng được minh định trong cơ sở dữ liệu, giúp các bên thuận tiện theo dõi, giám sát và dễ dàng truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Ngoài ra, Cục Lâm nghiệp còn triển khai phát triển xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin ngành công nghiệp chế biến gỗ. CSDL này sẽ cung cấp những dữ liệu quan trọng về số lượng doanh nghiệp, quy mô vốn, lao động, sản phẩm sản xuất, công suất và thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến gỗ trên toàn quốc. 

Khi hoàn thiện và đưa vào khai thác, CSDL sẽ không chỉ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về ngành chế biến gỗ mà còn hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành, thúc đẩy sự phát triển của ngành. Chưa kể, việc triển khai phần mềm sẽ giúp cải thiện quy trình sản xuất, chế biến, thương mại, đặc biệt là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, từ đó đạt hiệu quả cao hơn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025. 

Đáng chú ý, những thông tin cập nhật, nhanh chóng từ phần mềm sẽ giúp các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan có cái nhìn rõ ràng về tình hình thực tế, đưa ra các chiến lược phát triển phù hợp để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến gỗ Việt Nam trong tương lai.

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp nhận định, ngành đứng trước cơ hội lớn để phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số. Mục tiêu của ngành lâm nghiệp là tạo ra các cơ sở dữ liệu dùng chung dễ truy cập, minh bạch và thống nhất từ trung ương đến địa phương, giúp thông tin rừng dễ dàng cập nhật và sử dụng.

Với sự hỗ trợ của công nghệ số, ngành lâm nghiệp có thể hướng tới quản lý rừng một cách thông minh và bền vững, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế xanh.