Nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao kết hợp ứng dụng trí tuệ thông minh là phương thức sản xuất giống và nuôi thương phẩm các loài thủy sản áp dụng các công nghệ tiên tiến, không chỉ giúp người nuôi chủ động thời vụ, quan sát hoạt động và sự sinh trưởng phát triển của tôm, cá thông qua các thiết bị cảm biến, camera, máy cho ăn tự động dựa trên cảm biến.

Trong nuôi trồng thuỷ sản, việc đảm bảo dinh dưỡng, quan sát sự sinh trưởng của tôm, cá để cho ăn và định lượng thức ăn vô cùng quan trọng. Bởi vậy, thông qua sử dụng IoT và trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu, hỗ trợ đưa ra quyết định, giám sát và điều khiển hệ thống từ smartphone, máy tính.... nhờ vậy, người nuôi có thể chủ động quản lý dinh dưỡng vật nuôi, đặc biệt trong xu thế nuôi biển tiến ra xa bờ. 

Nuôi biển xa bờ cần kiến trúc sư tầm vĩ mô để dàn dựng hệ thống chính sách, biện pháp, giải pháp phát triển chuỗi các ngành công nghiệp phụ trợ. Mới đây, tại Hội thảo “Kỷ nguyên nuôi biển tiến ra xa bờ” với sự góp mặt của hơn 100 đại biểu, từ nhiều lĩnh vực hoạt động như nuôi lồng biển, trang trại sản xuất giống cá biển, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, đại diện cơ quan nhà nước, Chi cục Thủy sản các tỉnh ven biển, viện nghiên cứu, hội, hiệp hội/tổ chức ngành hàng… các chuyên gia đã chia sẻ về kinh nghiệm hình thành, chuyển đổi hình thức nuôi lồng trên biển, quản lý trang trại giống và các phương thức an toàn sinh học hướng tới sự bền vững, mang đến một khái niệm mới về sản xuất đạt năng suất và chất lượng đối với hình thức nuôi xa bờ.

Những kinh nghiệm quốc tế trình bày tại hội thảo đã mang tới cái nhìn sâu sát hơn, mới mẻ hơn và toàn diện hơn về việc chuyển hệ nuôi truyền thống sang nuôi biển xa bờ, theo hình thức công nghiệp. Đồng thời, nắm được xu hướng thương mại thủy sản nuôi toàn cầu và tiêu chuẩn bền vững trong chuỗi cung ứng thủy sản.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Muốn nuôi biển bền vững, sản phẩm đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, yếu tố quan trọng nhất là phải làm chủ được thức ăn, dinh dưỡng, chính vì vậy, các nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản là một trong những mắt xích quan trọng. Trong đó, tăng cường sử dụng những phế phụ phẩm, bắt buộc thay thế các nguồn protein từ động vật sang nguồn protein từ thực vật là xu hướng hiện nay trên thế giới.

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Bình, Điều phối viên tại Việt Nam của Liên minh Thủy sản toàn cầu (GSA), nếu muốn giảm thiểu bột cá cần tăng cường sử dụng các nguồn protein thay thế, trong đó đậu nành là một trong những nguồn nguyên liệu thay thế tiềm năng. Đối với bột đậu nành và các thành phần từ đậu nành khác trong thành phần thức ăn thủy sản, tối thiểu 50% phải đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận bền vững.

Còn theo TS. Phạm Việt Anh từ Tổ chức Chứng nhận Global G.A.P, các tiêu chuẩn Global GAP giúp sản xuất tuân thủ các chuẩn mực được chấp nhận trên toàn châu Âu, toàn cầu về an toàn thực phẩm, phương pháp sản xuất bền vững và sử dụng có trách nhiệm, tạo ra nền nông nghiệp toàn cầu an toàn và bền vững. Để đạt được chứng nhận Global G.A.P, sản phẩm phải trải qua quá trình kiểm duyệt kỹ càng để chứng minh đã đạt được mức độ an toàn và chất lượng được chấp nhận.

Tiêu chuẩn SSAP của USSEC nằm trong hướng dẫn của EU về các vấn đề liên quan đến nguồn đậu nành bền vững, được Liên đoàn các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi châu Âu (FEFAC) công nhận là tuân thủ theo các yêu cầu, do vậy, sản phẩm đậu nành từ Hoa Kỳ của USSEC cũng được Global G.A.P công nhận. Dự kiến, thời gian tới quy định trong nuôi trồng thủy sản 75% đậu nành phải tuân thủ theo yêu cầu của FIFAC.