Từ ngày 10-12/11, tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã diễn ra Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về ghép tế bào gốc tạo máu ở các nước đang phát triển.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tạo sự phối hợp giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển một cách làm sáng tạo và mang lại nhiều lợi ích cho các nhà khoa học cũng như cho người bệnh. Tham dự hội thảo có các chuyên gia trong nước và quốc tế.
 
Máy lọc máu trưng bày tại hội thảo
Tế bào gốc (stem cell) là những tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào khác nhau để thay thế cho các tế bào bị mất đi do nguyên nhân bệnh lý hoặc sinh lý. Nhờ đặc điểm này mà người ta có thể sử dụng tế bào gốc để tạo ra các tế bào mới thay thế cho các tế bào bị tổn thương hoặc mất chức năng, đem lại nhiều triển vọng trong điều trị các bệnh nan y.
 
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đã được tiến hành từ những năm 90. Năm 1995, bệnh viện Truyền máu - Huyết học thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành ca ghép tế bào gốc đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu. Đến nay, trên cả nước đã có  nhiều cơ sở y tế triển khai nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị như: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện 108,… Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh từ năm 2006, đến nay đã tiến hành ghép được 37 ca (gồm 28 ca ghép tự thân và 9 ca ghép đồng loại).
 
Toàn cảnh hội thảo
Tháng 5/2010, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã được bộ Y tế, bộ Khoa học và Công nghệ cho phép tổ chức Hội thảo nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong y học. Hội thảo đã tổ chức thành công cả về khía cạnh chuyên môn lẫn cách thức tổ chức và mang lại ấn tượng tốt đẹp cho các chuyên gia quốc tế tham dự. Trên cơ sở thành công đó, Hiệp hội ghép tế bào gốc quốc tế (WBMT) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề xuất tổ chức Hội thảo quốc tế ghép tế bào gốc tạo máu ở các nước đang phát triển lần thứ nhất tại Việt Nam.
 
Kỹ thuật ghép tế bào gốc nói chung và ghép tế bào gốc tạo máu nói riêng được coi là một loại pháp điều trị hiện đại và mang lại nhiều hi vọng cho bệnh nhân bị các bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, do những khó khăn về nguồn người hiến tế bào gốc, về kinh phí thực hiện ca ghép nên những bệnh nhân nghèo ở các nước đang phát triển khó có điều kiện để hưởng lợi từ liệu pháp điều trị hiện đại này. Do đó, qua hội thảo này, các nước tham dự sẽ có được những định hướng phát triển phù hợp, những thông tin mới, sự hợp tác mới để thúc đẩy kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị bệnh lên một tầm cao mới.
 

Ở các nước phát triển, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những thành công bước đầu trong lĩnh vực này là việc sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị một số bệnh máu ác tính (ghép tế bào gốc tạo máu).
 
  Nguồn tế bào gốc sử dụng cho ghép được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn và gần đây là từ màng lót cuống rốn. Ngày nay, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc không chỉ giới hạn trong việc điều trị các bệnh máu mà còn được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều chuyên khoa khác như: Mắt, tim mạch, xương khớp, bỏng, da liễu, thẩm mĩ, nhi khoa…

Phương Nga