Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Ngân hàng Nhà nước tỉnh tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tích cực, chủ động khai thác, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/1/2022 có ý nghĩa, vai trò quan trọng, là nền tảng để các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại, góp phần phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Mục tiêu cao nhất của đề án chính là để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng những tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước công dân gắn chíp, chuyển đổi cách làm thủ tục hành chính từ thủ công sang môi trường điện tử.
Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - Chi nhánh Vĩnh Phúc tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ, tiện ích trên nền tảng công nghệ số. Ảnh: Thế Hùng
Sau 2 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, đến nay, Đề án 06 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần phục vụ phát triển KT - XH, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển công dân số, nâng cao kỹ năng, nhận thức của người dân về chuyển đổi số, từng bước đưa chuyển đổi số vào đời sống của người dân.
Được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, thời gian qua, ngành ngân hàng tỉnh tập trung đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, không ngừng đẩy mạnh gia tăng các sản phẩm, dịch vụ số, tạo tiện lợi trong thanh toán, tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Đề cao tôn chỉ mục đích lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm của quá trình chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng; ngành ngân hàng đã và đang mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ, tiếp tục triển khai thử nghiệm các giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng tài khoản VneID mức độ 2 trong việc định danh, xác thực thông tin khách hàng; hướng tới ứng dụng và triển khai rộng rãi các tính năng trên chip thẻ căn cước công dân, tài khoản VneID, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân trong các nghiệp vụ ngân hàng.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước tỉnh là một trong những đơn vị đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ công đảm bảo an toàn kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; từng bước triển khai làm sạch cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khách hàng.
Các TCTD, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo các thông tin quản lý khách hàng công khai, minh bạch. Theo đó, các thông tin của khách hàng được nhập vào hệ thống quản lý của mỗi đơn vị và được đối chiếu với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhờ vậy, không chỉ giúp kết nối thông tin của cá nhân, tổ chức là khách hàng thuộc hệ thống các ngân hàng mà còn kết nối với dữ liệu của doanh nghiệp, cơ quan thuế, bảo hiểm... tạo nền tảng thông tin quan trọng để ngành ngân hàng phát triển hoạt động kinh doanh và kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong các giao dịch tiền tệ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Cùng với đó, ngành ngân hàng cũng chủ động, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh như Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh... để đẩy mạnh thanh toán điện tử cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ trong lĩnh vực hành chính công.
Phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; thu nộp thuế điện tử để hỗ trợ công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đa dạng hóa các dịch vụ thanh toán điện tử trong thanh toán viện phí, bảo hiểm, chi trả trợ cấp, an sinh xã hội, trả tiền điện, nước... qua tài khoản ngân hàng.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 700 nghìn tài khoản thanh toán và khoảng 132 nghìn thẻ thanh toán được mở bằng phương thức điện tử. Với những kết quả này, ngành ngân hàng tỉnh luôn duy trì vị trí thuộc nhóm các sở, ban, ngành dẫn đầu tỉnh trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín của khách hàng.
Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn chính thống một cách nhanh chóng, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm tệ nạn tín dụng đen. Đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo Việt Sơn (Báo Vĩnh Phúc)