Dưới đây là những chia sẻ của bà Quint Simon, Trưởng bộ phận Chính sách công, Châu Á Thái Bình Dương & Nhật Bản, Amazon Web Services.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á, thiệt hại kinh tế đối với các nước đang phát triển ở Châu Á ước tính vào khoảng 6,0-9,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực vào năm 2020 và 3,6-6,3% GDP khu vực vào năm 2021, phần lớn là do giảm cầu nội địa, suy giảm ngành du lịch và từ hiệu ứng lan tỏa toàn cầu. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, điện toán đám mây đã hỗ trợ quá trình chuyển dịch nhanh chóng sang làm việc và đào tạo từ xa. Giờ đây, công nghệ số và các dịch vụ đám mây - cơ sở của hầu hết các hoạt động số hóa - có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế bằng cách tạo điều kiện để các tổ chức thích ứng nhanh với các hoàn cảnh luôn thay đổi.

Điện toán đám mây – cung cấp tài nguyên CNTT qua internet theo yêu cầu, trả phí theo thực tế sử dụng – tạo điều kiện để các tổ chức chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng giảm quy mô và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp lớn, các công ty khởi nghiệp và các tổ chức khu vực công đã sử dụng các dịch vụ trên nền đám mây là những tổ chức đã sẵn sàng để vượt qua con đường phục hồi khó khăn phía trước.

Chính phủ các nước và các chính sách mà họ đưa ra sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy áp dụng công nghệ hỗ trợ các kế hoạch phục hồi kinh tế. Các chính sách ưu tiên sử dụng điện toán đám mây hướng dẫn các tổ chức thuộc khu vực tư nhân và nhà nước khai thác toàn bộ sức mạnh của đám mây để nhanh chóng giải quyết các vấn đề phức tạp nhờ sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất thế giới.

{keywords}
Bà Quint Simon, Trưởng bộ phận Chính sách công, Châu Á Thái Bình Dương & Nhật Bản, AWS

Ứng dụng công nghệ đám mây để ứng phó, phục hồi và tái thiết cho người dân

Công nghệ đám mây đã làm cho nhiều điều trở nên có thể - từ việc hỗ trợ Moderna tăng tốc phát triển vắc-xin Covid-19 đến đảm bảo tính liên tục trong ngành giáo dục thông qua các giải pháp trên nền đám mây và giúp mở rộng lĩnh vực y tế từ xa. Điện toán đám mây mang lại rất nhiều lợi ích cho các tổ chức thuộc khu vực công - từ việc giảm chi phí duy trì, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp cho đến việc cải thiện khả năng chống chịu, tính liên tục của dịch vụ và khả năng phục hồi trong thời kỳ khủng hoảng. Các chính sách ưu tiên sử dụng đám mây khuyến khích áp dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của người dân là những chính sách rất quan trọng vì chúng có tác động xã hội thực sự.

Các chính sách ưu tiên sử dụng điện toán đám mây hiệu quả nhất thường là những chính sách quy định rõ vai trò và trách nhiệm của các tổ chức chính phủ và nhà cung cấp dịch vụ đám mây, áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để phân loại dữ liệu, ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về tuân thủ và công nhận, đồng thời cung cấp cơ chế mua sắm theo mô hình thanh toán theo mức độ sử dụng như trong điện toán đám mây. Nhờ khai thác các lợi ích do đám mây mang lại, các tổ chức thuộc khu vực công có thể tập trung vào sứ mệnh cốt lõi của mình: phục vụ công dân.

Đặt cược lớn vào các công ty khởi nghiệp

Trong khi khu vực này tiếp tục tái thiết và phục hồi, chính phủ các nước cần đầu tư và hỗ trợ các ý tưởng có khả năng khởi động nền kinh tế. Các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa là trung tâm của các giải pháp sáng tạo này và cũng là động lực tăng trưởng quan trọng cho Việt Nam. Ví dụ, Med247 là một công ty khởi nghiệp Việt Nam, vận hành ứng dụng y tế và các cơ sở chăm sóc trên toàn Việt Nam, đồng thời đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng tới cho tất cả người dân. Công ty khởi nghiệp này sử dụng công nghệ AWS Cloud để cung cấp dịch vụ theo dõi và chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa thông qua các phòng khám và nhiều kênh khác, bao gồm ứng dụng, trang web, trung tâm liên lạc, mạng xã hội, email và tin nhắn văn bản. Cung cấp các cuộc gọi video 24/7, dịch vụ xét nghiệm và phân phối thuốc, công ty khởi nghiệp này mang lại cho bệnh nhân trải nghiệm toàn diện với dịch vụ chăm sóc trong và sau điều trị, trực tiếp và ảo cho hơn 40.000 người dùng ứng dụng trên khắp Việt Nam.

Med247 cũng là một trong những đơn vị thụ hưởng của chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho khu vực công AWS Public Sector Startup Ramp, là chương trình mới trợ giúp các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu, khi các công ty này xây dựng, khởi động và phát triển các giải pháp trong lĩnh vực y tế, chính phủ số, đô thị thông minh, nông nghiệp và công nghệ vũ trụ. AWS Startup Ramp cung cấp thiết kế kỹ thuật và đánh giá kiến trúc, cố vấn, tín dụng và hỗ trợ các kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường, giúp các doanh nhân khởi nghiệp đưa được sản phẩm dịch vụ của mình đến với khu vực công bằng cách đáp ứng các yêu cầu phức tạp về quy định và an ninh bảo mật của khu vực công.

Ví dụ, chính phủ các nước có thể dẫn dắt việc áp dụng điện toán đám mây và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp bằng cách đưa ra các chủ trương chính sách, bao gồm các chính sách đặc thù ngành nghề, giúp khai thác triệt để lợi ích của đám mây. Ví dụ: cho phép truyền tải dữ liệu xuyên biên giới có thể giúp các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô và giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu hóa. Một báo cáo năm 2021 của Quỹ Đổi mới sáng tạo và Công nghệ Thông tin cho thấy rằng việc khuyến khích trao đổi dữ liệu xuyên biên giới có thể nâng cao năng suất và thúc đẩy thương mại. Việc phát triển các chính sách cho phép tận dụng các dịch vụ điện toán đám mây và thúc đẩy thương mại số trong khu vực thực sự có thể thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế địa phương.

Chuyển đổi kép - số hóa và hạn chế phát thải cacbon

Công nghệ đám mây đã giúp các nước châu Á đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đồng thời mở ra những con đường cho quá trình khử cacbon. Ngày nay các công ty có thể giảm lượng khí thải carbon của họ bằng cách ứng dụng điện toán đám mây. Theo 451 Research, các công ty trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương có thể giảm 78% lượng khí thải carbon khi chuyển năng lực CNTT từ các trung tâm dữ liệu tại chỗ sang cơ sở hạ tầng điện toán đám mây. Quy mô của AWS cho phép chúng tôi sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, đồng thời chúng tôi có các công cụ và dịch vụ để giúp khách hàng tạo ra các kiến trúc và đổi mới sáng tạo bền vững trên đám mây.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo để bổ sung cho các nỗ lực tiết kiệm năng lượng trong vận hành cũng sẽ là chìa khóa giúp chúng tôi đạt được các kết quả bền vững hơn ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản. Amazon là khách hàng doanh nghiệp lớn nhất thế giới của các công ty năng lượng tái tạo, và chúng tôi hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong hoạt động của mình trên toàn thế giới vào năm 2025. Chúng tôi tiếp tục hợp tác với các đối tác trong khu vực tư nhân và khu vực công để tạo ra nhiều hơn các lựa chọn mua sắm năng lượng tái tạo hơn các doanh nghiệp trong khu vực. Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ, nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm, và việc hỗ trợ chính phủ các nước phát triển các chính sách phù hợp cho quá trình chuyển đổi kép về số hóa và phi cacbon hóa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình một tương lai kinh tế bền vững cho khu vực.

Cùng nhau để tiến xa hơn và nhanh hơn

Những đổi mới sáng tạo mới nhất về điện toán đám mây sẽ được giới thiệu tại hội nghị hàng năm AWS re: Invent của chúng tôi được tổ chức trong tuần tới. Tại sự kiện này, AWS giới thiệu các công nghệ mới, các dịch vụ tiên tiến và đưa ra những ý tưởng lớn của khách hàng trong quá trình chuyển đổi số. Với các chính sách ưu tiên sử dụng điện toán đám mây tốt hơn và các quy định có sở cứ rõ ràng, chính phủ các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật bản có thể tận dụng công nghệ điện toán đám mây để tạo ra một tương lai trong đó khả năng thích ứng, khả năng mở rộng, độ tin cậy, an ninh bảo mật và tốc độ là các yếu tố hàng đầu trong việc phát triển các dịch vụ công dân và tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, chúng ta có thể cùng nhau tiến xa hơn và nhanh hơn, hướng tới mục tiêu ứng dụng công nghệ điện toán đám mây đẩy nhanh phục hồi kinh tế trong khu vực.

Phương Dung