Giải pháp với mục tiêu nhằm cung cấp thông tin, cập nhật chính xác về hiện trạng tài nguyên và các thảm họa thiên tai phục vụ công tác quản lý, đưa ra quyết định nhằm bảo tồn giá trị thiên nhiên và ứng phó với thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.
Ông Võ Văn Trí - chủ trì giải pháp - cho biết: Hệ thống phòng ngừa, cảnh báo thảm họa thiên tai và giám sát tài nguyên được xây dựng trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý sử dụng các dữ liệu đầu vào như ảnh vệ tinh, mô hình độ cao số, dữ liệu thuộc tính, dữ liệu khí tượng thủy văn và lịch sử thiên tai để nội suy tạo ra các bản đồ cảnh báo cài đặt vào các ứng dụng và hệ điều hành như ArcGIS online, Google Maps, Google Earth, Android, iOS, Windows hiển thị ở trên các trình duyệt web.
Các thiết bị cần thiết để vận hành, gồm máy tính, điện thoại thông minh và tương tác thông qua dịch vụ sóng điện thoại 3G, 4G, wifi; các báo cáo được cập nhật hiển thị chính xác tọa độ và thuộc tính trong vài giây giúp kịp thời xử lý sự cố; ứng dụng đã tối ưu hóa ở mức độ đơn giản nhất, dễ sử dụng, dễ cập nhật, dễ hiển thị, dễ xử lý.
Về tính năng cơ bản, ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám xây dựng hệ thống phòng ngừa, cảnh báo thảm họa thiên tai và giám sát tài nguyên chạy trên hệ điều hành Windows, Android và iOS nhằm tạo ra công cụ hỗ trợ quản lý, thông tin cho người dùng về thiên tai và các tác động lên tài nguyên, qua đó để phòng ngừa, ứng phó.
Tính sáng tạo và đổi mới, hệ thống phân tích tổng hợp dựa trên công nghệ GIS và viễn thám được phân tích xử lý trên các phần mềm ArcGIS 10x, ENVI. Các dữ liệu thuộc tính được chuyển đổi định dạng sang *.cmf chạy bằng ứng dụng CarryMap trên hệ điều hành Android, Windows, iOS hiển thị trên điện thoại thông minh và định dạng file*.kml, *.kmz chạy trên Google Earth. Hệ thống sử dụng phần mềm CarryMap để mở bản đồ số tương tác với các chức năng trên thiết bị (định vị GPS) giúp định vị, lưu tọa độ và chồng lên phần mềm Google Earth để xác định vị trí nhanh chóng, chính xác.
Giải pháp này có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối với thiên tai, các thông tin thiên tai như ngập lụt, cháy rừng, sạt lở đất được hiển thị trực quan về vị trí, vùng, phạm vi, mức độ ảnh hưởng để người dùng biết để có giải pháp phòng ngừa kịp thời. Có thể áp dụng trong quy hoạch sử dụng đất hợp lý như trong quy hoạch đất ở tránh vùng ngập lụt, vùng dễ xảy ra tai biến sạt lở đất.
Ngoài ra trong việc bảo tồn tài nguyên có thể xác định các tác động lên tài nguyên để quản lý bảo vệ. Công cụ đã tối ưu hóa, ai cũng có thể sử dụng, hiển thị chính xác, kèm theo các thuộc tính về sự kiện; các điểm có sự cố được ghi nhận trên điện thoại thông minh và được chuyển đến các máy nối mạng internet để hiển thị trên Google Earth. Người quản lý xác định chính xác điểm xảy ra sự cố, mức độ ảnh hưởng và ra quyết định xử lý; chi phí thấp, sử dụng các phần mềm miễn phí và mã nguồn mở.
Hệ thống phòng ngừa, cảnh báo thảm họa thiên tai và giám sát tài nguyên đang được thử nghiệm tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái khẳng định, giải pháp ứng dụng vào thực tế sẽ mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, vì chỉ cần cơ sở hạ tầng công nghệ, máy tính và các điện thoại thông minh sẵn có mà không cần thiết đầu tư thêm; giải pháp này tối ưu hóa, dễ sử dụng, cảnh bảo khá chính xác các mức độ ảnh hưởng của thiên tai và các tác động lên tài nguyên.
Giải pháp “Ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám xây dựng hệ thống phòng ngừa, cảnh báo thảm họa thiên tai và giám sát tài nguyên chạy trên hệ điều hành Windows, Android và iOS” cùng 30 sáng kiến khác trên toàn quốc lọt vào vòng chung kết cuộc thi sáng kiến khoa học 2024 do Báo Vnexpress tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây cũng là nhóm tác giả đầu tiên của tỉnh Quảng Bình tham gia cuộc thi. |
Theo Hương Trà (Báo Quảng Bình)