Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói như vậy tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 diễn ra chiều 12/1.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương những kết quả ngành LĐ-TB&XH đạt được trong năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh tới toàn xã hội. Toàn ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực để chăm lo tốt an sinh cho người dân, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh kịp thời, với hàng chục triệu lượt người nhận hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, còn một số bất cập, tồn tại đã nói nhiều năm nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi, nên toàn ngành LĐ-TB&XH cần nỗ lực hơn trong năm 2022.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị |
Phó Thủ tướng dẫn chứng về xử lý dứt điểm hồ sơ công nhận người có công còn tồn đọng tới nay vẫn chưa giải quyết xong; chính sách chăm lo thương binh nặng cần lâu dài và tính tới hỗ trợ cả thân nhân; chính sách giảm nghèo cần phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ ngành liên quan để xây dựng cơ chế đảm bảo xoá nghèo bền vững, phát huy tối đa nguồn lực…
Trong công tác bảo vệ trẻ em, Phó Thủ tướng cho rằng, hầu như năm nào cũng xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, như vụ việc cháu bé bị bạo hành tới tử vong ở TP.HCM mới đây.
Trong khi đó, việc xây dựng hệ thống bảo vệ và chăm sóc trẻ em tới tận cấp xã đã được nói từ nhiều năm trước, thời gian tới cần làm tốt hơn.
“Hai năm nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới các cháu rất nhiều khi phải ở nhà và học trực tuyến kéo dài, không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ, còn ảnh hưởng tâm lý, nguy cơ trầm cảm. Nên cần có giải pháp để hỗ trợ, phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, không thể chậm trễ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Với nhóm trợ giúp xã hội, theo Phó Thủ tướng, ngành LĐ-TB&XH cần có cơ chế để huy động nhiều hơn nguồn lực xã hội tham gia, thay vì chỉ trông chờ ngân sách nhà nước.
Với đào tạo nghề cũng cần sắp xếp lại để tăng tự chủ, xã hội hoá, giảm bớt các đầu mối và cơ quan chủ quản các trường nghề, để tập trung chỉ đạo, thống nhất quản lý, có như vậy mới sớm đưa đào tạo nghề tiếp cận trình độ và tiêu chuẩn thế giới.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành LĐ-TB&XH cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Bởi, nếu ngành LĐ-TB&XH ứng dụng công nghệ thông tin tốt từ vài năm trước, với kho dữ liệu người lao động đầy đủ, sẽ không phải vất vả trong chi trả tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 như vừa qua, cũng không lo nhầm đối tượng hay chính sách bị trục lợi. Không những vậy, còn đảm bảo chi trả hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng.
“Chuyển đổi số của ngành LĐ-TB&XH cần quyết tâm và phấn đấu nhiều hơn nữa. Chuyển đổi số tốt thì cải cách hành chính tự nhiên sẽ đi lên”, Phó Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung |
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống nhân dân, việc làm và an sinh xã hội. Bộ đã chủ động xây dựng, nghiên cứu và trình các cấp thẩm quyền ban hành nhiều chính sách an sinh, hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp.
Dù vậy, vẫn còn nhiều điều phải rút kinh nghiệm, nhiều mục tiêu lớn chưa làm được.
Điển hình là việc chuyển đổi số, dù điều kiện đã đầy đủ cả về nhân lực và nguồn lực, nhưng năm vừa qua chưa làm được, nên trong năm 2022 sẽ quyết tâm thực hiện, đặc biệt là xây dựng dữ liệu về người lao động, việc làm…
Tham gia hội nghị Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đã nhìn rõ các nền tảng số quan trọng nhất của ngành, có trăn trở, có niềm tin và có sự chuẩn bị về nguồn lực triển khai…. Như vậy đã được nửa chặng đường của chuyển đổi số, nửa chặng đường còn lại là nghề của những người làm công nghệ nên xử lý không khó.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng |
Theo Bộ trưởng TT&TT, trong số 35 nền tảng số quốc gia được xác định thực hiện thì dữ liệu về lao động, việc làm, an sinh xã hội là một trong những nền tảng trọng tâm. Ngành lao động quản lý lĩnh vực có tác động xã hội rộng lớn, có hàng chục triệu người phải chăm lo an sinh. Do vậy, việc phát huy hiệu quả của chuyển đổi số, như thế sẽ càng thể hiện cụ thể, sinh động.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số thay vì tranh luận nhiều, hãy bắt tay vào làm, bởi nếu không đi không bao giờ đến đích.
"Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung là người có quyết tâm với việc chuyển đổi số, sẵn sàng thực hiện và chính là người khích lệ, truyền cảm hứng cho tôi với chính nhiệm vụ này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nữ Phó Chủ tịch mới
Bà Thái Thu Xương vừa được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.
Vũ Điệp