Tiếng nói của mỗi dân tộc là một thành tố cơ bản của văn hóa, thông qua ngôn ngữ để hình thành và lưu truyền các hình thái quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc.
Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bắc Giang năm 2019 cho thấy, toàn tỉnh chỉ còn rất ít người DTTS nói được tiếng của dân tộc mình (tiếng mẹ đẻ): Sán Chay (Cao Lan, Sán Chỉ) 4,16%; Dao 1,45%; Hoa 1,34%; Tày 1,29%; Nùng 0,93%; Sán Dìu 0,45%.
Các dân tộc này đều có bản sắc văn hóa và tiếng nói riêng (không có chữ viết riêng), việc hình thành, lưu truyền bản sắc văn hóa của họ từ ngàn xưa tới nay đều thông qua tiếng nói và truyền miệng.
Đáng nói, số người DTTS không còn nói được tiếng mẹ đẻ chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thế hệ có trách nhiệm kế tục gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa của dân tộc mình cho đời sau.
Vì thế việc bảo tồn, phát huy tiếng DTTS là hết sức cần thiết. Đây cũng chính là lý do Đề án “Bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn ký ban hành ngày 25/10.
Theo đó, đề án sẽ tập trung nghiên cứu bảo tồn, phát huy tiếng DTTS của 6 thành phần dân tộc gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan, Sán Chỉ) và Dao, trọng tâm là 73 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.
Đề án được thực hiện từ năm 2024- 2030. Giai đoạn 2024 – 2025, đề án được bố trí hơn 6,5 tỷ đồng, trong đó sử dụng ngân sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 là 447 triệu đồng, ngân sách tỉnh 3,654 tỷ đồng, ngân sách của 5 huyện là 2,44 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026 – 2030, dự án được bố trí khoảng 40,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 33,2 tỷ đồng, ngân sách của 5 huyện 6,99 tỷ đồng.
Đề án cũng đề ra mục tiêu từng bước tăng tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc bình quân từ 2- 3%/năm; phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc đạt từ 15 - 20%.
Đặc biệt, từ năm học 2024 - 2025 đến hết năm học 2029 - 2030, 100% các trường học vùng đồng bào DTTS và miền núi tổ chức được lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc.
Đồng thời, triển khai thí điểm việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng ở 73 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; mỗi xã chọn 1 thôn/bản để làm điểm và rút kinh nghiệm cho triển khai những năm sau.
Từ năm 2026 đến năm 2030, hằng năm tổ chức lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng; phấn đấu đến hết năm 2030 có 100% số thôn/bản (539 thôn/bản) vùng đồng bào DTTS và miền núi tổ chức được các lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng.
Theo đó, đến hết năm 2030 các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, mỗi huyện có từ 2-3 thôn/bản có đội văn nghệ biểu diễn bằng tiếng dân tộc phục vụ cho du khách tại các điểm du lịch cộng đồng.
Đề án cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền dạy tiếng dân tộc. Theo đó, tỉnh khuyến khích người truyền dạy, các tổ chức, cá nhân quan tâm tự xây dựng các video, audio bài học tiếng dân tộc (trên cơ sở tài liệu truyền dạy đã được UBND tỉnh phê duyệt) và cập nhật, đăng tải trên nền tảng mạng xã hội như Youtube, Zalo, Facebook,… để giúp mọi người có thể học tiếng dân tộc ở mọi lúc, mọi nơi.
Người học có thể tự học và tương tác bằng hình thức tham gia ý kiến, góp ý vào tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc, phương pháp truyền dạy… để tăng tính tương tác, hấp dẫn cho người học.
Thông qua việc xây dựng các video, audio bài giảng nói trên, lồng ghép các nội dung tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người, các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Bắc Giang với bạn bè trong nước và quốc tế trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giang Mai Sơn giao Ban Dân tộc tỉnh là đơn vị chủ trì đề án, căn cứ vào điều kiện, thực tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện nội dung hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền dạy tiếng dân tộc, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Những năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo các địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; tiến hành khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc.
Ngoài ra, những hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đã tạo điều kiện để tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được sử dụng nhiều hơn, rộng rãi hơn, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.