Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong năm 2024, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn.
Đến nay, cả nước có trên 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023. Trong đó, có 73,2% sản phẩm 3 sao, 23,5% sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm 5 sao.
Số lượng sản phẩm này thuộc sở hữu của 8.086 chủ thể OCOP gồm: 32,7% là HTX, 24,1% là doanh nghiệp nhỏ, 42,7% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Mục tiêu năm 2025, tổng cả nước sẽ có khoảng 15.000 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Để phát huy hiệu quả của các sản phẩm OCOP, thích ứng với thị trường tiêu dùng thông minh, các địa phương đang đẩy mạnh số hoá mặt hàng này, đồng thời xây dựng kho dữ liệu dùng chung nhằm tăng cường quảng bá, phát triển thương mại điện tử.
Điển hình, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An (Sở Khoa học và Công nghệ) đã thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP”.
Theo đó, sản phẩm OCOP của các chủ thể ở tỉnh Nghệ An được thực hiện công tác số hóa. Thông qua số hóa, quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP giúp truy xuất dễ dàng nguồn gốc xuất xứ, hạn chế vấn nạn hàng giả, hàng nhái, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP được đẩy mạnh số hóa giúp sản phẩm bảo vệ được thương hiệu, khẳng định sự minh bạch và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, mô hình số hóa 3D và 360 độ là một trong những công nghệ hiện đại giúp tối ưu hóa việc tổ chức; góp phần đưa các sản phẩm địa phương tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong thời đại công nghệ số.
Theo tỉnh Nghệ Anh, trong năm 2024, việc số hóa và quản lý dữ liệu đối với toàn bộ các sản phẩm OCOP của tỉnh đã giúp công tác quản lý, quảng bá và thông tin đầy đủ đến với người tiêu dùng trên nền tảng không gian kết nối toàn diện và tương thích với tất cả các thiết bị.
Tương tự, tỉnh Khánh Hoà cũng đang từng bước xây dựng dữ liệu sản phẩm OCOP thông qua ứng dụng công nghệ. Phần mềm chuyên về sản phẩm OCOP sẽ đánh giá, phân hạng, đồng thời tích hợp quy trình triển khai quản lý cơ sở dữ liệu toàn bộ hồ sơ sản phẩm, thông tin đánh giá, xếp hạng OCOP trên toàn tỉnh.
Quy trình này bao gồm từ bước chủ thể OCOP đăng ký tham gia nộp hồ sơ sản phẩm cho đến khi hồ sơ được đánh giá, xếp hạng các cấp, kiểm soát chất lượng sau khi đánh giá. Thông qua hệ thống phần mềm, các đối tượng của Chương trình OCOP sẽ chủ động tham gia, thực hiện nghiệp vụ và tạo nên một hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện.
Trong một năm qua, chuyên trang “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” cũng liên tục cập nhật thông tin các sản phẩm và câu chuyện kể về sản phẩm OCOP của các chủ thể. Chuyên trang này của báo Nhân Dân ra mắt cuối năm ngoái.
Chuyên trang OCOP là kết quả của việc tiếp tục hiện thực hóa Chiến lược Chuyển đổi số của báo, kết hợp thông tin, dữ liệu với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm góp phần lan tỏa những giá trị về chất lượng, văn hóa của sản phẩm OCOP Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động truyền thông chính sách, đi vào chiều sâu, đáp ứng tốt hơn trước các yêu cầu mới của Chương trình OCOP.
Ở nước ta, Chương trình OCOP đã trở thành chính sách trọng tâm, có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp cả nước. Mục tiêu tổng quát của trong giai đoạn 2021-2025 là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng thời, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Đặc biệt, chuyên trang còn có “Mục Sản phẩm” nhằm giới thiệu về các sản phẩm OCOP trên các vùng, miền của cả nước. Đến nay, đã có hàng nghìn sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao được cập nhật trên mục Sản phẩm. Đây là con số ban đầu, việc cập nhật sẽ được thực hiện liên tục với đầy đủ những thông tin dữ liệu mới nhất về các sản phẩm OCOP từ trung ương đến địa phương.
Theo đó, chuyên trang sẽ là kho dữ liệu với hàng chục nghìn sản phẩm, giúp người dùng và các chủ thể dễ dàng tìm kiếm sản phẩm một cách đơn giản và tiện lợi nhất.
Đặc biệt, các chủ thể trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP của mình có thể kể lại những câu chuyện về hành trình, những khó khăn và thuận lợi để đưa một sản phẩm trở thàn OCOP 3 sao, OCOP 4 sao, OCOP 5 sao và các tiêu chí cao hơn. Sau khi được thẩm định về tính chân thật, những câu chuyện này sẽ được đăng tải lên chuyên trang OCOP.
Báo Nhân Dân còn liên kết với các đơn vị công nghệ để hỗ trợ gắn chíp cho các sản phẩm OCOP. Thông qua việc gắn chip, người dùng có thể dễ dàng định danh sản phẩm, hiểu câu chuyện sản phẩm, hình ảnh sản phẩm…
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, đằng sau mỗi một sản phẩm OCOP có sự chung tay của rất nhiều con người, góp phần kích hoạt khu vực kinh tế nông thôn, chuyển dịch theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Mỗi sản phẩm OCOP hướng tới “kích hoạt” sự năng động, “hồi sinh sức sống” của cộng đồng nông thôn, thông qua đó để đào tạo một thế hệ doanh nhân mới là những người trẻ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP.
Với gần 15.000 sản phẩm OCOP, xây dựng kho dữ liệu số không chỉ giúp công tác quản lý được minh bạch mà các chủ thể còn thuận lợi hơn trong việc tiếp cận quảng bá sản phẩm trên thị trường hơn. Như Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: Việc tạo ra một sản phẩm đã khó, nhưng đưa sản phẩm lên kệ hàng siêu thị và duy trì nó lại càng khó hơn. Ai kể được câu chuyện giàu cảm xúc nhất qua sản phẩm thì người đó sẽ thắng.