Nhằm thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các HTX, nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào các công đoạn sản xuất. Trong đó, ứng dụng nhật ký sản xuất điện tử giúp các HTX, nông dân ghi lại quá trình sản xuất, phục vụ truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2022, vùng xoài đặc sản xoài cát Hòa Lộc xã Xuân Trường đã được phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ làm chứng nhận xoài VietGAP cũng như thành lập HTX làm đầu mối xây dựng chuỗi liên kết nhằm đáp ứng tốt thị trường nội địa, được cấp mã số vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu.
Tại HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp cây xoài Xuân Trường (huyện Xuân Lộc), ứng dụng nhật ký điện tử và các giải pháp chuyển đổi số (CĐS) trong canh tác thanh long bước đầu giúp HTX có thể chủ động theo dõi, kiểm tra, đánh giá hiệu quả sản xuất.
Giám đốc Thương mại dịch vụ nông nghiệp cây xoài Xuân Trường, ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Các thành viên đều ghi chép quá trình sản xuất bằng sổ nhật ký điện tử rõ ràng, nhờ đó tạo được niềm tin với khách hàng".
HTX của ông Dũng có 20 hộ tham gia, các thành viên đều được tập huấn thường xuyên về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn, được khách hàng ngày càng tin tưởng và đón nhận.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là thực hiện tốt ghi chép nhật ký sản xuất điện tử giúp truy xuất nguồn gốc và hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ của HTX trở nên dễ dàng hơn.
Từ những thành công đó, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp cây xoài Xuân Trường hướng tới hình thành Cánh đồng mẫu lớn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xoài trên địa bàn xã với diện tích hàng chục hécta.
Với các vườn được quy hoạch, đầu tư bài bản như lên mô cao; có hệ thống tưới nước, tưới phân bón tự động; sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học; ghi chép nhật ký sản xuất điện tử;... gíup những người nông dân đỡ vất vả hơn trong sản xuất.
Vùng chuyên canh cây xoài đặc sản cát Hòa Lộc với hơn 70 hécta này cho hiệu quả kinh tế cao cũng nhờ áp dụng ghép cải tạo giống xoài cát Bưởi với xoài cát Hòa Lộc. Theo ông Dũng ưu điểm của việc ghép cải tạo này là sau khi ghép, chồi xoài phát triển nhanh trên gốc mẹ vì hút được nhiều dưỡng chất và có sức đề kháng dồi dào.
Ngoài việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ghép xoài, ông Dũng hiện còn ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm gắn với hệ thống hòa phân tự động, công nghệ Israel nhằm giúp giảm lượng nước, giảm công lao động, qua đó giảm nhiều chi phí so với trước đây chăm sóc theo kiểu thủ công.
Việc tưới tiêu đều được thực hiện thông qua hệ thống được cài đặt trên máy điện thoại thông minh.
Cũng theo ông Dũng, xoài cát Hoà Lộc là loại cây khó tính, năng suất thấp hơn giống xoài khác song mang lại giá trị kinh tế cao. Mỗi vụ thu hoạch có thể thu lại từ 300 triệu đồng tiền lãi/ 1hecta.
Theo đó, thời gian tới, tỉnh Đồng Nai tiếp tục quan tâm đến các vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp như trong công tác quản lý của Nhà nước; trong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí đầu vào, giảm công lao động; trong thực hiện đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quảng bá cho nông sản. Ngành Nông nghiệp có rất nhiều nội dung cần phải làm trong chuyển đổi số. Tỉnh cũng sẵn sàng đầu tư kinh phí lớn để thực hiện chuyển đổi số.