Không “bịt” khe hở xe hợp đồng, nguy cơ phá vỡ luồng tuyến cố định
TS. Đinh Quang Toàn, Trường Đại học Công nghệ GTVT nhấn mạnh, mô hình kinh doanh xe hợp đồng hiện nay đang chiếm vai trò chủ đạo, lên đến 70%.
Trong đó, đáng lưu ý là tình trạng xe hợp đồng trá hình tuyến cố định và chạy như tuyến cố định. Đây được xem như là khe hở lớn cần phải được khắc phục. Nếu không, tình trạng phá vỡ luồng tuyến, xe tuyến cố định bỏ bến,... ngày càng nhiều.
Ông cho rằng, do hành lang pháp lý dành cho xe hợp đồng hiện nay cởi mở hơn so với các mô hình khác: Đơn vị vận tải xe hợp đồng có thể chủ động quyết định giá cước vận tải; chủ động lên lộ trình vận tải theo yêu cầu của khách hàng;... Trong khi tuyến cố định, thủ tục khi thay đổi giá phức tạp...
Ngoài ra, chính những lợi thế về mặt pháp lý của xe hợp đồng nên đang thúc đẩy cả loại hình xe cá nhân không được phép kinh doanh vận tải vẫn tham gia kinh doanh như các mô hình xe ghép, xe tiện chuyến,... làm mất an toàn giao thông và thất thu thuế lớn cho nhà nước.
“Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ vẫn còn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về việc cạnh tranh không lành mạnh cũng như mất an toàn giao thông, cần được các cơ quan quản lý nhà nước xử lý triệt để thông qua các giải pháp công cụ ứng dụng công nghệ số”, ông Toàn khẳng định.
Cách nào giải quyết?
Ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ An Vui thẳng thắn chỉ ra 2 nguy cơ khi loại xe hợp đồng phát triển thiếu sự kiểm soát.
“Số liệu cho thấy mô hình kinh doanh xe hợp đồng hiện nay đang chiếm vai trò chủ đạo (chiếm đến 70%). Trong khi đó, tuyến cố định là lĩnh vực vận tải mà đất nước chúng ta dành nhiều thời gian để xây dựng luồng, tuyến đến bây giờ chỉ còn 6% thị phần”, ông Mạnh dẫn chứng.
CEO An vui cũng nhấn mạnh cuộc cạnh tranh này sẽ còn tiếp diễn, nếu như ở góc độ pháp lý không tìm ra được một giải pháp cho các doanh nghiệp cạnh tranh một cách công bằng, hài hòa.
Ông Mạnh cũng lo ngại “nếu không cẩn thận chúng ta sẽ rơi vào tình trạng không quản được là cấm đối với mô hình xe hợp đồng”. Do đó, ông đưa ra phương án “lệnh vận chuyển điện tử”.
“Theo đó, với các phương tiện và các đơn vị vận tải chạy tuyến cố định thì trước khi lăn bánh sẽ phải gửi lại lệnh vận chuyển điện tử lên dữ liệu trung tâm. Có thể Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục Đường bộ Việt Nam sẽ là đơn vị xử lý dữ liệu trung tâm này.
Từ đó, phía các bến xe sẽ lấy dữ liệu trung tâm đó để ký lệnh, xác nhận lệnh. Việc làm này giúp hạn chế xe dù bến cóc. Ví dụ như xe ở tỉnh A là xe tuyến cố định nhưng sang tỉnh B lại là xe dù bến cóc, không hề vào bến mà lại tìm chỗ đỗ không nằm trong phạm vi.
Giải pháp này sẽ giúp cơ quan quản lý nắm được xe đăng ký xuất bến thời điểm nào, bến đi ký thời điểm nào, bến đến ký thời điểm nào để đảm bảo xe chạy luồng tuyến cố định không bỏ bến”, ông Mạnh thông tin.
Tương tự, với những xe hợp đồng cũng phải thực hiện như vậy. Từ đó, các cơ quan chức năng như bến xe, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành giao thông, tổng cục thuế, bảo hiểm sẽ phối hợp truy xuất dữ liệu từ nguồn dữ liệu chung để có thể kiểm tra giám sát các hoạt động.
Bên cạnh đó đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm tối ưu hóa trong quản lý hoạt động vận tải đường bộ với các cơ quan chức năng có liên quan.
“Đây sẽ là một số liệu rất lớn, giúp cho bức tranh của ngành giao thông, đặc biệt là giao thông vận tải hành khách sẽ rất minh bạch. Các doanh nghiệp sẽ không có cơ hội để trốn thuế hay kiểu làm ăn chộp giật”, ông Mạnh thông tin.