Triển khai kế hoạch chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các hoạt động ứng dụng các công nghệ số như cảm biến, IoT, trí tuệ nhân tạo và khai thác dữ liệu để theo dõi các thông số đất đai, tài nguyên rừng, thời tiết... nhằm tăng năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, từ năm 2016, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp Cục Lâm nghiệp và các bên liên quan khác trong khuôn khổ dự án bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học rừng và các dịch vụ hệ sinh thái ở Việt Nam đã tiến hành chuẩn hóa mô hình dữ liệu SMART và giới thiệu sổ tay hướng dẫn áp dụng SMART trong toàn bộ hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn.
Cả nước hiện có khoảng 14,7 triệu héc-ta rừng tương ứng với độ che phủ của rừng đạt 42% diện tích. Là một phần của rừng Việt Nam, hệ thống rừng đặc dụng hiện có khoảng 2,4 triệu héc-ta, được giao cho 167 ban quản lý.
Thông qua sự hỗ trợ của dự án này, các ban quản lý rừng đã tiếp nhận công nghệ, áp dụng trong hoạt động quản lý bảo vệ rừng, mang lại hiệu quả rất cao trong công việc chuyên môn.
Kể từ khi ra mắt phiên bản SMART đầu tiên vào năm 2013, GIZ và các đối tác đã hỗ trợ ứng dụng SMART để quản lý và bảo vệ rừng Việt Nam. Dự án SMART đã được áp dụng tại 33 địa điểm là các khu rừng đặc dụng và khu bảo tồn thiên nhiên, hiện đang phát triển để sử dụng rộng rãi trên tất cả các khu rừng trong cả nước.
Theo Cục Lâm nghiệp, việc thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua công cụ quản lý dữ liệu và tuần tra (SMART) thống nhất dùng chung trên cả nước về quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, phòng hộ phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến cơ sở, góp phần bảo tồn phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học quốc gia.
Yêu cầu công cụ quản lý dữ liệu SMART được xây dựng với hướng tiếp cận đơn giản, dễ sử dụng và đầy đủ các trường thông tin cơ bản để phục vụ tốt nhất cho hoạt động quản lý của các khu rừng. Mô hình dữ liệu sử dụng đơn giản, phù hợp với kiểm lâm viên địa bàn, cán bộ bảo vệ rừng và các nhóm tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng ghi nhận thông tin hiện trường trong quá trình tuần tra thực địa.
Các phiên bản SMART được triển khai trong hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phải thống nhất sử dụng phiên bản tiếng Việt; đối với các dự án, tổ chức quốc tế và trong nước có hỗ trợ các khu rừng đặc dụng, phòng hộ triển khai phiên bản SMART tiếng Anh phải cập nhật phiên bản SMART tiếng Việt để thống nhất triển khai tại Việt Nam.
Nhờ sự đóng góp hiệu quả việc áp dụng rộng rãi công nghệ số, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về rừng, trong đó có hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, ngày càng được nâng cao. Rừng được giữ vững ổn định và phát triển cả về diện tích và chất lượng, qua đó đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc trưng, các loài đặc hữu, loài nguy cấp, quý hiếm; bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng danh lam thắng cảnh, đồng thời bảo đảm chức năng phòng hộ.
Hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ đã được bảo vệ, bảo tồn gần như nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng tự nhiên quan trọng, giữ vững khả năng phòng hộ, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học, đã có nhiều loài động vật quý hiếm xuất hiện trở lại hoặc phát hiện vùng phân bố rộng, như: rái cá lông mũi, voọc quần đùi trắng, voi…; đồng thời, tạo ra nhiều giá trị cung ứng dịch vụ môi trường và bảo vệ môi trường.