Logistics là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tốc độ phát triển logistics tại Việt Nam gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Logistics vốn là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại. (Ảnh minh họa: Internet) |
Trên thị trường, tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia của Việt Nam là 18% GDP, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ 9-14%. Chi phí logistics của Việt Nam vẫn khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan,… Nguyên do có thể đến từ những hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với dịch vụ sau cảng; công tác quy hoạch hạ tầng logistics gồm cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics, depot, bãi đậu xe tải, xe container… chưa hiệu quả. Do đó, ứng dụng công nghệ số hóa là yêu cầu cần thiết để cắt giảm chi phí.
Ngoài ra, chuyển đổi số logistics sẽ giúp nâng cao hiệu suất trong các quy trình vận chuyển. Giá cước vận chuyển tính theo thời gian thực, vận đơn không cần giấy tờ và tự động hóa tối đa các quy trình sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động. Việc số hoá trong ngành logistics chính là một giải pháp minh bạch và hiệu quả trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài.
Chuyển đổi số logistics sẽ đem tới cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội khác nhau. Trước hết là tiết kiệm chi phí và thời gian hiệu quả thông qua tự động hóa. Thời gian là một trong những yếu tố giá trị nhất trong ngành logistics. Mọi bước và quy trình trong chuỗi cung ứng phải được lên thời gian hoàn hảo, đảm bảo giao hàng đúng hạn không có bất kỳ sự gián đoạn nào.
Khi áp dụng biện pháp chuyển đổi số phù hợp, các hoạt động rất phức tạp tổng thể trong chuỗi cung ứng hàng hải có thể được tăng hiệu suất đáng kể. Chuyển đổi số logistic giúp hạn chế rủi ro, đảm bảo giao hàng đúng hẹn, tạo được uy tín trong lòng khách hàng. Với nguồn nhân lực hạn chế, doanh nghiệp có thể cân nhắc tối ưu hóa bằng cách tự động hóa những hoạt động tại văn phòng như email hoặc fax, tự động hóa quy trình thực hiện các cuộc gọi để theo dõi vận chuyển hàng hóa, tính giá cước hoặc hoàn thành thủ tục giấy tờ. Mặt khác, các doanh nghiệp có thể quản lý giá cả một cách hiệu quả, minh bạch tuyệt đối, nhờ đó tỷ lệ lỗi và chi phí dư thừa cũng được giảm đáng kể.
Số hóa không chỉ làm cho các hoạt động quản lý tại văn phòng trở nên hiệu quả hơn mà còn giúp doanh nghiệp có những phản ứng linh hoạt về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Trong tình hình đại dịch còn diễn biến phức tạp, theo dõi thời gian thực giúp hiểu được sự cố có thể xảy ra và do đó lập kế hoạch chính xác, đảm bảo đúng tiến độ giao hàng cho khách hàng.
Một lợi thế quan trọng khác của khả năng hiển thị đầu cuối là định tuyến động. Thông qua việc chia sẻ dữ liệu vĩnh viễn, có thể giảm tối đa tỉ lệ giao hàng chậm trễ qua việc tối ưu hóa tuyến đường, chọn ra tuyến đường thuận lợi. Điều này giúp tiết kiệm thời gian trong trường hợp bị gián đoạn như tắc nghẽn hàng hải, tắc nghẽn cảng hoặc không có thuyền.
Đông Phong
Doanh nghiệp vận tải và logistics tại Việt Nam chuyển đổi số để "vượt khó" trong đại dịch
Ngày 25/8/2021, hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số ngành vận tải và logistics” do Tổng Công ty Công nghệ và giải pháp CMC (CMC TS) và Salesforce tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của gần 200 đại diện doanh nghiệp trong ngành.