Lời tòa soạn: Thông tin cơ sở là một lực lượng truyền thông đặc biệt. Đây là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. VietNamNet xin gửi tới độc giả tuyến bài viết về công việc của những người làm công tác thông tin cơ sở. 

Bài 1: Phút hoảng hồn của nữ phát thanh viên khi già làng dọa đổ cơm xuống suối

Bài 2: Người cán bộ 45 năm gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở

Chuyển đổi số cho đài truyền thanh cơ sở bằng ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông

Bình Phước luôn xác định đài truyền thanh cơ sở là cánh tay nối dài của hệ thống đài phát thanh từ Trung ương đến cơ sở, là con đường ngắn nhất để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho cuộc sống, lao động, sản xuất, kinh doanh cho người dân.

trienkhaittcs
Lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh tại Bình Phước. Ảnh: Báo Bình Phước

Trước đây, khi công nghệ số chưa phát triển, loa truyền thanh có dây bộc lộ nhiều hạn chế như chất lượng âm thanh kém, không đồng đều trong toàn tuyến; việc kéo dây rất gian nan và tốn kém ở những nơi xa trung tâm. Hệ thống phát thanh hay bị chạm, chập, mất tín hiệu. Dây truyền thanh chằng chịt, mất mỹ quan, nguy hiểm, khó bảo dưỡng, sửa chữa. 

Khi công nghệ số phát triển, loa truyền thanh không dây FM tiên tiến hơn. Chất lượng âm thanh tốt và đồng đều trên toàn tuyến, đồng thời có thể lắp đặt ở bất kỳ điểm nào nếu có điện; việc lắp đặt, bảo trì, sửa chữa đỡ vất vả hơn.

Tuy nhiên, loa truyền thanh không dây FM vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm như đầu tư lớn hơn, cán bộ kỹ thuật phải có chuyên môn nhất định. Tại các trung tâm hành chính huyện, xã phải có mặt bằng để xây dựng cột anten dây co; khi xây dựng và đưa vào sử dụng phải có giấy phép và hàng năm phải đóng phí sử dụng tần số, vô tuyến điện cho cơ quan quản lý. Khi sử dụng không đúng tần số, hệ thống sẽ bị nhiễu sóng, do đó nhân viên kỹ thuật phải trực phát sóng 24/24 trong quá trình vận hành.

Trước sự lạc hậu của đài truyền thanh cơ sở, thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bình Phước đã giao Sở TT&TT chủ trì, tham mưu xây dựng Đề án đầu tư hệ thống truyền thanh cơ sở.

Để thực hiện việc này, trên cơ sở khảo sát thực trạng, nhu cầu thực tế tại các địa phương trong tỉnh, phân tích ưu, nhược điểm của các phương thức truyền thanh có dây, không dây FM, công nghệ thông tin - viễn thông, gắn với tình hình phủ sóng viễn thông trên địa bàn tỉnh, Sở TT&TT Bình Phước đã tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn phương án đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông để cải tạo, nâng cấp, thay thế hệ thống truyền thanh cấp xã sử dụng công nghệ hữu tuyến, vô tuyến FM. 

Đến hiện tại, Bình Phước đã lắp đặt và đưa vào vận hành 1.660 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Qua đó, 100% xã, phường, thị trấn được đầu tư đồng bộ quy mô toàn tỉnh với 843/843 thôn, ấp, khu phố thuộc 111/111 xã, phường, thị trấn của tỉnh, thiết bị hệ thống truyền thanh truyền dẫn trên nền sóng 3G/4G. Các hạng mục của Dự án đều được thực hiện trên điều kiện vật chất có sẵn (phòng làm việc, cột điện, cột thông tin, hạ tầng Internet cáp quang và sóng 3G/4G).

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở TT&TT, việc đầu tư loa truyền thanh thông minh là giải pháp chuyển đổi số tối ưu cho các đài truyền thanh cơ sở, đảm bảo thông tin luôn được thông suốt, phát thanh trên diện rộng, kịp thời. Qua đó, làm tăng hiệu quả công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền ở cơ sở và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại 4.0. 

Đáng chú ý, nhằm chuẩn bị tốt công tác kết nối, quản lý, cung cấp thông tin nguồn cho các cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đã đầu tư và kết nối với hệ thống thông tin nguồn của Trung ương, Sở TT&TT Bình Phước cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư hệ thống thông tin nguồn để quản lý, cung cấp thông tin, chia sẻ, vận hành hệ thống đáp ứng các yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật, giải pháp an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ, Bộ TT&TT, phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước. 

Hiện nay, hệ thống thông tin nguồn đã được vận hành tại địa chỉ: tttm.binhphuoc.gov.vn, đồng thời đã kết nối thành công với Hệ thống thông tin nguồn Trung ương; Hệ thống nguồn của tỉnh hiện đang kết nối, quản lý, cung cấp thông tin nguồn cho 1.660 cụm loa truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn tỉnh. 

Đưa thông tin đến người dân bằng nội dung truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng

Để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, các nội dung thiết yếu hay phục vụ nhu cầu giải trí cho người dân, Sở TT&TT Bình Phước cũng đã hướng dẫn các cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện chuyển sang sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng.

truyenthanhcoso.jpg
Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện tại Bình Phước đưa thông tin đến người dân bằng nội dung truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng. Ảnh: Báo Bình Phước

Kết quả trong năm 2023, 11 đài truyền thanh – truyền hình cấp huyện (đạt 100%) đã tự sản xuất và đăng tải hơn: 3.972 tin, bài phát thanh, 11.508 tin, bài, 319 phóng sự trên trang thông tin điện tử cấp huyện; 1,848 tin, bài trên bảng tin điện tử công cộng; 2.607 tin bài trên các nền tảng khác như Facebook, Zalo… phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin cho người dân; phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đăng 2.585 tin bài trên báo điện tử, 671 tin, bài phát thanh, 1.287 phóng sự… 

Với ưu thế được đầu tư hệ thống thông tin nguồn, cùng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông với các chức năng tiện ích như: Đăng nhập mọi lúc, mọi nơi qua hệ thống điều khiển trên điện thoại, laptop; đặt lịch hẹn giờ phát, chuyển văn bản thành giọng nói (AI)… cũng giúp cho những người làm công tác truyền thanh giảm tải được khối lượng công việc.

Sở TT&TT Bình Phước cũng đã tổ chức 12 buổi tập huấn (1 buổi tập trung tại tỉnh, 11 buổi tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố) cho các cán bộ phụ trách đài truyền thanh cấp xã về kỹ năng vận hành các cụm loa; kỹ năng viết, biên tập tin cho đài truyền thanh cấp xã. 

Nhiều cán bộ đang phụ trách các đài truyền thanh cấp huyện hay xã tại Bình Phước cho biết, với việc được trang bị hệ thống truyền thanh thông minh, công việc của họ đỡ vất vả hơn rất nhiều so với trước đây.

Nếu như lúc trước họ phải ngồi canh giờ tại đài để tiếp sóng cũng như phát các bản tin, giờ đây không cần nữa, vì đã có thể cài đặt chương trình tự động. Đồng thời, với thiết bị thông minh cài đặt sẵn các phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói phù hợp với vùng, miền, cũng giúp cho các bản tin được cán bộ truyền thanh sau khi viết, nhanh chóng đăng phát phục vụ bà con được ngay. 

Đới với người nghe, trước đây, hệ thống truyền thanh có dây được thu - phát sóng trên tần số FM theo khung giờ nhất định, vì vậy, phần lớn thông tin đến với người nghe được tiếp âm của Đài Trung ương, đài tỉnh nên hạn chế thời lượng. Nhưng nay, với hệ thống truyền thanh không dây thông minh, người nghe có thể chọn nghe nhiều thông tin mới, nhanh hơn và cập nhật tin tức một cách liên tục không bị gián đoạn. 

Bài 4: Vượt khó để đưa thông tin kịp thời đến người dân