Tại hội thảo Vibrand 2015 tổ chức ngày 6/11/2015 tại TP.HCM, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin đã có bài phát biểu về tình hình ứng dụng, phát triển CNTT tại Việt Nam và chính sách sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNTT trong nước. Đặc biệt nhấn mạnh lĩnh vực ứng dụng CNTT trong CQNN.
Tình hình ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê của các ban ngành, tổng doanh thu toàn ngành CNTT năm 2014 đạt 42 tỷ USD, tăng trưởng 6,5% so với năm 2013, đóng góp khoảng 6,7 tỷ USD vào GDP của cả nước (chiếm 1,3%). Trong đó, doanh thu từ Công nghiệp phần cứng chiếm hơn 90% tổng doanh thu, với 39 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2013. Doanh thu từ Công nghiệp phần mềm là 1,4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2013. Doanh thu đến từ ngành Công nghiệp nội dung số là 1,4 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2013.
Tuy doanh thu từ gia công phần mềm còn khá nhỏ bé, tuy nhiên, đây lại là thị trường giàu tiềm năng. Phó Vụ trưởng cho biết, theo số liệu thu được hiện Việt Nam nằm trong top những nước mới nổi về gia công phần mềm tại khu vực Châu Á. Hiện có hơn 88.000 lao động đang làm việc trong hơn 6.800 doanh nghiệp phần mềm tại Việt Nam.
Về ứng dụng CNTT trong CQNN, hiện nay 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ và xây dựng trang/cổng thông tin điện tử và 100% Bộ, ngành, tỉnh thành có đơn vị chuyên trách CNTT. Về hạ tầng ứng dụng CNTT đang tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện với 94,5% máy tính trong cơ quan Bộ và 97,5% máy tính trong cơ quan tỉnh/thành phố được kết nối Internet (tính đến tháng 8/2015).
Trong năm 2013, có 53 tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (tăng 4 tỉnh so với 2012) với 2.472 dịch vụ (tăng 863 dịch vụ so với năm 2012). Đồng thời, có 6 tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (tăng 4 tỉnh so với năm 2012) với 56 dịch vụ (tăng 51 dịch vụ so với năm 2012). Trong đó, các cơ quan tiêu biểu có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến lớn là: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP.Đà Nẵng, TP.HCM, TP.Hà Nội...
Điều này cho thấy thị trường ứng dụng CNTT trong CQNN là vô cùng to lớn và ổn định với nhiều lĩnh vực đa dạng: quản lý điều hành văn bản, chính quyền điện tử, cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến... Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp CNTT trong nước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2016-2020.
Cơ hội nào cho thương hiệu Việt?
Theo Phó Vụ trưởng cho biết, hiện nay CQNN khi tìm hiểu để mua sắm sản phẩm hay thuê dịch vụ CNTT thường quan tâm đến 4 yếu tố cơ bản. Trong đó, chế độ bảo hành, bảo trì là quan trọng nhất. Kế tiếp mới xét tới thương hiệu của nhà cung cấp có uy tín hay không. Đồng thời, ưu tiên cho những sản phẩm, dịch vụ đã được sử dụng trong CQNN. Cuối cùng là giá thành của sản phẩm.
Với những chủ trương hỗ trợ hàng Việt, chính phủ đã có nhiều nghị quyết và thông tư nhằm ưu tiên hàng Việt. Hiện nay, đa số sản phẩm phần cứng được mua là máy tính để bàn do các công ty trong nước sản xuất như FPT Elead, CMS, VTB... Hay các phần mềm phổ biến như phần mềm kế toán, Antivirus (BKAV, CMC...), quản trị, website, phần mềm quản lý bệnh viện, một cửa điện tử... cũng đều sử dụng các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước cung cấp.
Đa số các sản phẩm, dịch vụ sử dụng thương hiệu nước ngoài là do Việt Nam chưa sản xuất được như máy chủ, tường lửa cứng, các thiết bị chuyển mạch... Hay các phần mềm an ninh, các hệ điều hành máy tính...
Có thể nói, doanh nghiệp CNTT trong nước đang có một thị trường rất màu mỡ. Tuy nhiên, cho đến nay thị trường này vẫn bị bỏ ngỏ do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Mà trong đó, chủ yếu là do năng lực của doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa có sự liên kết chặt chẽ và chưa có sự hỗ trợ cụ thể và thiết thực từ phía chính phủ.