Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về kiểm tra cải cách hành chính năm 2017, lĩnh vực hiện đại hóa hành chính - ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, các hoạt động ứng dụng CNTT được Bộ Công Thương triển khai ở nhiều nội dung, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại.
Các kết quả thể hiện ở ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo điều hành, xử lý, trao đổi văn bản điện tử; xây dựng các hệ thống thông tin; cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý chuyên môn; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển hạ tầng kỹ thuật, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin.
Các ứng dụng CNTT của Bộ Công Thương đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, đối với lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, giúp giảm thời gian xử lý công việc, giảm chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả xử lý nghiệp vụ, hỗ trợ công tác giám sát xử lý công việc kịp thời.
Đối với người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận tiện trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, rút ngắn thời gian, giải quyết thủ tục hành chính.
Bộ Công Thương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2016.
Hoàn thành nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp chứng nhận và dán nhãn năng lượng cho doanh nghiệp và đang triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT, triển khai công tơ điện thông minh trong đo đếm điện năng theo kế hoạch, lộ trình được giao tại Nghị quyết 30a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.
Bộ cũng đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 6 nhóm dịch vụ công trực tuyến ưu tiên triển khai theo Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2016 của Chính phủ.
Bộ đã xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tập trung tại một địa chỉ duy nhất. Người sử dụng chỉ cần một tài khoản duy nhất để sử dụng tất cả các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương.
Đây là một trong các kết quả đột phá về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ, giúp cho việc sử dụng của người dân, doanh nghiệp thuận tiện, giảm hồ sơ, giấy tờ.
100% các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã ứng dụng hệ thống xử lý văn bản điện tử trong quản lý, xử lý văn bản đi và đến.
Việc trao đổi, luân chuyển văn bản giữa các đơn vị được thực hiện trên hệ thống; lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo, xử lý văn bản trực tiếp trên hệ thống; đã thực hiện kết nối, trao đổi văn bản với hệ thống quản lý văn bản điện tử của Văn phòng Chính phủ...
Tuy nhiên bên cạnh đó Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Bộ Công Thương như chậm ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử; sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong các đơn vị, cá nhân còn hạn chế.
Việc triển khai các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, phân tán, thiếu sự kết nối, chia sẻ; hạ tầng kỹ thuật CNTT, phần mềm hệ thống chưa kịp thời đầu tư, nâng cấp; các cổng/trang thông tin điện tử của Bộ hoạt động trên nền tảng công nghệ củ, chưa bảo đảm yêu cầu về an toàn thông tin.
Để tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm ưu tiên xây dựng, ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử; sớm triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ của Bộ để thực hiện kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong Bộ, cũng như với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia.
Ngoài ra cần tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao phục vụ người dân và doanh nghiệp...