Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam  ICT Index) giai đoạn 2006-2015, do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM kiến nghị, cần phải đưa vào tiêu chí đánh giá về nhận thức của lãnh đạo cấp cao nhất ở địa phương đối với vấn đề phát triển và ứng dụng CNTT thế nào. Bộ chỉ số hiện nay chỉ đánh giá chung chung là nhận thức của những người làm CNTT là chưa đủ, nếu chỉ dừng lại đánh giá nhận thức của cán bộ CNTT trong Sở TT&TT thôi thì cũng chả để làm gì.

“Nếu muốn Nghị quyết 36 triển khai tốt ở các địa phương thì quan trọng nhất là phải có nhận thức đúng và sự quyết tâm triển khai của lãnh đạo cấp cao ở địa phương. Nếu không thì Nghị quyết 36 cũng khó mà đạt được hiệu quả cao”, ông Hỷ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Hỷ đề nghị, chỉ số sẵn sàng về CNTT phải chia ra làm hai chỉ số: Sẵn sàng và hiệu quả. Trong đó, chỉ số sẵn sàng chỉ chiếm 1/3, còn hiệu quả chiếm 2/3, cộng điểm lại chia làm đôi mới có thể tính ra được chỉ số về sẵn sàng cho chính phủ điện tử. Có được chỉ số về hiệu quả để lãnh đạo các địa phương nhìn vào, thấy được sự sẵn sàng của mình thế nào, hiệu quả đến đâu và sự chuyên nghiệp thế nào. Bộ chỉ số sẵn sàng nên rút gọn lại nhưng phải rõ ràng.

Cũng liên quan đến vấn đề nhận thức của lãnh đạo chính quyền địa phương về ứng dụng CNTT, thực tế là nếu địa phương nào lãnh đạo quan tâm sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt, ưu tiên phân bổ kinh phí để đầu tư ứng dụng CNTT mạnh mẽ. Còn nếu tỉnh nào lãnh đạo không quan tâm thì địa phương đó triển khai CNTT chỉ ở mức độ yếu kém, đầu tư nhỏ lẻ, thiếu cả kinh phí và nhân lực triển khai.

Tại tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng CNTT, Sở TT&TT Bình Định nhận xét, một trong những hạn chế về triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước ở Bình Định là nhận thức về vai trò của CNTT trong một bộ phận cán bộ công chức vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, gương mẫu triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành tại đơn vị.

Theo Sở TT&TT tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 2011-2015, tổng đầu tư cho CNTT ở tất các các cơ quan nhà nước trong tỉnh là hơn 20 tỷ đồng cho cả phần cứng và phần mềm. Trong đó, tỉnh chỉ hỗ trợ triển khai phần mềm, các huyện phải tự đầu tư hạ tầng.

Cho đến nay, 100% cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên được trang bị máy tính làm việc, nhưng một số kết quả triển khai ứng dụng lại chưa cao. Ví dụ, mới chỉ có 70% cán bộ công chức sử dụng thư điện tử công vụ trong giao dịch công tác. Hoặc hiện mới chỉ 9% UBND cấp huyện triển khai hệ thống một cửa điện tử, quá thấp so với mục tiêu đặt ra là 100%. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước các cấp cũng ở mức thấp, chỉ đạt 55%.

Điều đáng nói là đã có 4 sở, ngành trong tỉnh Bình Định triển khai dịch vụ công từ năm 2009 đến nay nhưng vẫn chưa có một bộ hồ sơ nào được nộp và xử lý trực tuyến. Hiện tại có tới 10/11 huyện, thị trong tỉnh chưa triển khai hệ thống một cửa điện tử, chưa cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Ông Bình cho rằng, nguyên nhân của việc chậm mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cũng như việc dịch vụ có cung cấp cũng không có người dùng là do nhận thức của con người là chính. Ở cấp huyện thị, nhiều lãnh đạo huyện chưa muốn thay đổi thói quen giải quyết công việc, do đó không quan tâm, không phân bổ kinh phí, không phân bổ con người để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

“Thậm chí khi Sở TT&TT xuống tận nơi làm việc để xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT, có lãnh đạo huyện còn trả lời thẳng “tôi không có thời gian”. Đồng nghĩa với việc sau đó là không quan tâm, không phân bổ kinh phí, không bố trí con người làm việc liên quan đến CNTT”, ông Bình nói.

Việc dịch vụ công trực tuyến cung cấp ra nhưng không có người dùng cũng nằm ở vấn đề nhận thức còn yếu kém. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do khâu tuyên truyền kém nên nhiều người dân không biết cơ quan nhà nước có cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thêm vào đó là do thói quen của người dân thích giao dịch trực tiếp, một phần là do trình độ sử dụng Internet, ứng dụng CNTT của người dân và doanh nghiệp cũng còn yếu.