Cục Tin học hóa vừa công bố Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh thành phố Trực thuộc Trung ương năm 2013.

Trong đó, đáng chú ý nhất là kết quả xếp hạng về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2013. Chỉ duy nhất Bộ Kế hoạch & Đầu tư đạt mức Khá với 264,64 điểm (điểm tối đa để đánh giá xếp hạng là 400). 20 Bộ, cơ quan ngang Bộ còn lại tham gia xếp hạng chỉ đạt mức Trung bình. Đứng đầu nhóm Trung bình là Bộ TT&TT. Còn 4 vị trí cuối bảng thuộc về Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an.

Xếp hạng về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Top 5 Bộ đứng đầu bảng gồm Kế hoạch & Đầu tư, Ngoại giao, Tài chính, Giáo dục & Đào tạo, TT&TT. Và Top 5 cuối bảng gồm Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Xây dựng, Bộ Công an. Điểm tối đa của hạng mục này là 120, nhưng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đứng đầu bảng cũng chỉ đạt 56,14 điểm. Bộ Công an đứng cuối bảng vì không đạt điểm nào.

ứng dụng CNTT phục vụ người dân

Xếp hạng Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, có 14 Bộ đạt mức Tốt, trong đó Top 3 đầu bảng gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ TT&TT. 4 đơn vị đạt mức Khá gồm Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giáo dục & Đào tạo. Vẫn còn 3 Bộ đạt mức Trung bình là Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Xếp hạng nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT có nhiều điểm bất ngờ. Bộ Y tế dù đứng ở nhóm cuối của nhiều bảng xếp hạng khác nhưng lại có tên trong Top 5 đầu bảng về nguồn nhân lực, cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học & Công nghệ. Bộ Công Thương và Bộ Công an đứng cuối bảng xếp hạng này.

Xếp hạng mức độ Ứng dụng CNTT tổng thể của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, không có Bộ, cơ quan ngang Bộ nào đạt mức Tốt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dẫn đầu nhóm Khá với 795 điểm (điểm tối đa là 1.000). Các vị trí kế tiếp gồm Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT. Trong số 8 Bộ, cơ quan ngang Bộ ở nhóm Trung bình, có cả Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Y tế.

So với khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ thì khối 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả tốt hơn về ứng dụng CNTT tổng thể. Cụ thể, có 3 địa phương đạt mức Tốt gồm Đà Nẵng, Hà Nội, Nghệ An. TP.HCM đứng cuối nhóm 8 địa phương đạt mức Khá, xếp sau Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Lâm Đồng. 5 địa phương có kết quả kém nhất về ứng dụng CNTT đều là những địa phương còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội như Cà Mau, Điện Biên, Kon Tum, Lai Châu, Sơn La.

Năm 2013, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội là 3 địa phương dẫn đầu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thế nhưng, về công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin thì ngôi vị đầu bảng lại thuộc về Thanh Hóa, còn Đà Nẵng đứng ở vị trí số 5, Hà Nội đứng thứ 9, và TP.HCM tụt xuống thứ 44.

Theo Cục Tin học hóa, trong năm 2013, công tác ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước tiếp tục được quan tâm triển khai, nhưng vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các đơn vị. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng tăng. Trong năm 2013, có 53 tỉnh cung cấp dịch vụ mức độ 3 (tăng 4 tỉnh so với năm 2012) với 2.472 dịch vụ (tăng 863 dịch vụ so với năm 2012), có 6 tỉnh cung cấp dịch vụ mức độ 4 (tăng 4 tỉnh so với năm 2012) với 56 dịch vụ (tăng 51 dịch vụ so với năm 2012). Các cơ quan tiêu biểu có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến lớn là: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Bạc Liêu.