Báo cáo Vietnam ICT Index 2010 đã được Hội tin học chính thức công bố vào sáng nay (22/12), với những số liệu thể hiện bức tranh toàn cảnh ứng dụng và phát triển CNTT ở Việt Nam năm 2010. Tuy nhiên, những con số thể hiện sự chênh lệch lớn giữa các đối tượng được khảo sát.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại ITweek 19

Đây là lần thứ 5, báo cáo Vietnam ICT Index 2010 do Hội tin học Việt Nam thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT. Báo cáo đã được công bố chính trong tuần lễ Tuần lễ Tin học Việt Nam (ITWeek) diễn ra vào sáng nay.

Theo ông Đỗ Xuân Thọ, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, ITweek là sự kiện thường niên do Hội tin học Việt Nam tổ chức, nhằm mục đích đi sâu đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT của Việt Nam và tình hình triển khai để đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT. Sự kiện sẽ luôn được duy trì và đổi mới thành chuỗi các hoạt động thiết thực cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT-TT nước nhà.

Cũng tại ITWeek, báo cáo Vietnam ICT Index 2010 đã được công bố. Những số liệu trong báo cáo này đã phản ánh đầy đủ thực trạng và phát triển CNTT ở các cơ quan trung ương (Bộ, cơ quan ngang bộ), ở các địa phương, doanh nghiệp. Đây thực sự là những con số có ý nghĩa không chỉ đối với các nhà hoạch định chính sách mà cả với các doanh nghiệp. Với những số liệu xác đáng sẽ là cơ sở để giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức lập kế hoạch, định hướng được chiến lược phát triển  và ứng dụng CNTT trong giai đoạn tiếp theo.

“Nhờ đó, chúng ta có thể biết được vị trí hiện tại đang ở đâu” ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học chia sẻ. Vietnam ICT Index 2010 cũng đánh giá và xếp hạng 4 nhóm đối tượng, gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh thành phố trực thuộc Trungương, các ngân hàng thương mại, các Tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn,…Theo đó, tỷ lệ máy tính/đầu người của 4 nhóm đối tượng trên liên tục được cải tiến theo từng năm, phát triển nhưng thể hiện sự chênh lệch rõ ràng. Chẳng hạn như, ở cấp Bộ và cơ quan ngang Bộ, con số này cao gần gấp 3 lần so với các tỉnh thành, hay như khối Ngân hàng thương mại cao gấp 8 lần so với các tập đoàn kinh tế.

Sự chênh lệch này cũng thể hiện rõ nét về tỷ lệ cán bộ chuyên trách về CNTT ở mỗi nhóm đối tượng. Điều đó, thể hiện chỉ số sẵn sàng CNTT ở các tỉnh, thành phố thấp hơn nhiều so với Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Theo ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, những số liệu cho thấy, các chỉ tiêu trong Quyết định 48/2009/QĐ-TTg về kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010, đã có nhiều chuyển biến. Cụ thể, việc đưa thông tin của các trường Cao đẳng- Đại học lên mạng đạt 70% (theo QĐ 48 chỉ đạt mức 30%), sử dụng thư điện tử vượt mục tiêu đặt ra, gần 100% đơn vị có cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến mức 2 đều vượt chỉ tiêu đạt 100% ở các thành phố, 87% ở các tỉnh và 78% ở các Bộ ngành.

Về việc xếp hạng ứng dụng CNTT, đứng đầu vẫn là Bộ Giáo dục và Đào tạo, đứng đầu khối tỉnh thành là Thành phố Đà Nẵng. Năm 2010, khối doanh nghiệp lớn chứng kiến sự thăng hạng của Tổng Công ty Thép VN và trong khối Ngân hàng thương mại thì Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam tiếp tục dẫn đầu.

Theo VnMedia