Ứng dụng CNTT đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thể hiện ở một số lĩnh vực, điển hình như: xử lý văn bản hành chính tại các cấp từ Trung ương đến cấp xã; quản lý ngân sách, kho bạc; hải quan điện tử, quản lý, kê khai và nộp thuế; đăng ký thành lập doanh nghiệp; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu; cấp giấy phép lái xe, quản lý hộ tịch, hộ khẩu…
Trong năm 2017, hoạt động ứng dụng CNTT tại các Bộ, ngành, địa phương đã mang lại những kết quả nhất định như: tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua các Trang/Cổng thông tin điện tử; tăng năng suất, hiệu quả lao động của cán bộ, công chức và hiệu lực công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước.
Hiện nay, tất cả 30/30 cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Trang/Cổng thông tin điện tử. Các Trang/Cổng thông tin điện tử cơ bản đã công bố, cập nhật kịp thời các thông tin hoạt động chỉ đạo, điều hành, các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước, thông tin về thủ tục hành chính và các nội dung khác theo quy định tại Nghị định 43 ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang/Cổng thông tin điện tử.
Số liệu cập nhật tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương hết năm 2017 cho thấy, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành cung cấp là 1.357 dịch vụ, trong đó có 459 dịch vụ công trực tuyến mức 4 (mức cao nhất, hoàn toàn được thực hiện trên môi trường mạng); các tỉnh, thành phố đã cung cấp tổng số 31.659 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 4 là 3.821 dịch vụ.
Bảo hiểm xã hội, Thuế, Hải quan và Đăng ký kinh doanh được đánh giá là 4 lĩnh vực điển hình trong việc ứng dụng CNTT, và là 4 lĩnh vực hiện đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt hiệu quả cao.
Cùng với việc không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam, thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã rất chú trọng ứng dụng CNTT hiện đại để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả. Để tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế -xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày sâu rộng, việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, giám sát hiệu quả của nhà nước đối với thị trường bảo hiểm là thực sự cần thiết và là một yêu cầu cấp bách.
Tuy nhiên, trong thông tin về kết quả ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử năm 2017, Cục Tin hóa cũng chỉ rõ, ứng dụng CNTT trong xây dựng Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, mới chỉ phát huy hiệu quả ở một số ngành, lĩnh vực; phát triển còn rời rạc, chưa tạo thành hệ thống Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử thông suốt giữa các ngành, các cấp; thông tin, dữ liệu còn cục bộ từng ngành, lĩnh vực, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm triển khai… Đặc biệt là, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức cao vẫn còn hạn chế, nhiều dịch vụ công trực tuyến đã triển khai nhưng chưa phát sinh hoặc phát sinh rất ít hồ sơ xử lý trực tuyến.
Trong thời kỳ cách mạng số hóa ngày nay, những giải pháp đột phá và toàn diện trong ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực là vô cùng cần thiết để giúp phát triển nền kinh tế và cạnh tranh trong môi trường hội nhập quốc tế, đặc biệt là đối với những ngành đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ như bảo hiểm.
Hiện tại việc ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng yếu đang được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm triển khai. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 chính là giai đoạn then chốt cho việc tập trung triển khai ứng dụng CNTT toàn diện trong các cơ quan nhà nước trong mọi lĩnh vực tại Việt Nam.