Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới

Ngày 24/12/2024, Nhóm Nghiên cứu mạnh Bệnh Thủy sản, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị, cơ quan và doanh nghiệp tổ chức thành công hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản”.

Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành phát triển nhanh nhất của lĩnh vực nông nghiệp. Trong tương lai, vai trò của ngành nuôi trồng thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, song hành cùng sự phát triển và những cơ hội là không ít thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các dịch bệnh mới nổi.

Đây là thách thức lớn cho ngành Nuôi trồng thủy sản toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Do đó, cần có các biện pháp ứng phó kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực, hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Tốc độ phát triển chóng mặt của nghề nuôi đã làm phát sinh nhiều tác động tiêu cực đến môi trường nuôi trồng thủy sản. Ở chiều ngược lại, nuôi trồng thủy sản cũng trực tiếp chịu tác động trở lại từ những biến đổi của môi trường. Để thảo luận và làm rõ thêm nhiều khía cạnh liên quan, nhóm nghiên cứu mạnh “Bệnh Thủy sản” – Khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị tổ chức hội thảo: “Ứng dụng công nghệ trong quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản”.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia đến từ nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực Thủy sản, đại diện cơ sở nuôi trồng thủy sản, cán bộ, giảng viên, học viên cao học và sinh viên khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Khách mời tham dự hội thảo đã được nghe các bài trình bày về tình hình dịch bệnh, các kết quả khảo sát về chất lượng nước, ô nhiễm ở các vùng nuôi và các công nghệ mới trong ngành Thủy sản tại khu vực phía Bắc.

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đã có những chia sẻ, trao đổi cởi mở để mở ra hướng nghiên cứu mới trong thời gian tới giúp cho việc phát triển thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững. 

Tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản của Việt Nam rất lớn

Theo Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4.384,7 nghìn tấn, tăng 2,7%. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.431,4 nghìn tấn, tăng 4,1%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.953,3 nghìn tấn, tăng 1,0%.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 phát triển ổn định, các địa phương đã chú trọng đầu tư nuôi thâm canh và bán thâm canh một số thủy sản chủ lực. Khai thác thủy sản tiếp tục gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi, thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Sản lượng thủy sản tháng 6 năm 2024 ước đạt 869,5 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng quý II năm 2024 ước đạt 2.439,5 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá đạt 1.727,1 nghìn tấn, tăng 2,8%; sản lượng tôm đạt 366,6 nghìn tấn, tăng 4,1%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 4.384,7 nghìn tấn, tăng 2,7%. Trong đó, cá đạt 3.172,3 nghìn tấn, tăng 2,6%; tôm đạt 559,8 nghìn tấn, tăng 4,0%, cụ thể như sau:

Về nuôi trồng thủy sản: Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 6 năm 2024 ước đạt 513,3 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá ước đạt 318,8 nghìn tấn, tăng 4,2%, tôm ước đạt 136,8 nghìn tấn, tăng 3,3%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý II ước đạt 1.364,3 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 884,1 nghìn tấn, tăng 3,9%, tôm đạt 326,8 nghìn tấn, tăng 4,4%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.431,4 nghìn tấn, tăng 4,1%. Trong đó, cá đạt 1.656,7 nghìn tấn, tăng 4,0%; tôm đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 4,5%.

Nuôi cá tra: Sản lượng trong tháng 6 năm 2024 ước đạt 164,9 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra quý II ước đạt 462,1 nghìn tấn, tăng 5,8%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng cá tra ước đạt 831,8 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ; 

 Nuôi tôm nước lợ: Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 6 năm 2024 ước đạt 100,9 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; quý II ước đạt 233,9 nghìn tấn, tăng 5,4%; 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 332,7 nghìn tấn, tăng 5,6%.

Sản lượng tôm sú tháng 6 năm 2024 ước đạt 26,5 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ; quý II ước đạt 73,2 nghìn tấn, tăng 2,3%; 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 122,1 nghìn tấn, tăng 2,3%.

Khai thác thủy sản: Sản lượng thủy sản khai thác tháng 6 năm 2024 ước đạt 356,2 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; quý II ước đạt 1.075,2 nghìn tấn tăng 1,5%; 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1953,3 nghìn tấn, tăng 1,0%, trong đó, cá đạt 1.515,6 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 72,1 nghìn tấn, tăng 0,9%.

Sản lượng thủy sản khai thác biển tháng 6 năm 2024 ước đạt 339,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; quý II ước đạt 1.027,7 tăng 1,4%; 6 tháng đầu năm ước đạt 1.864,1 nghìn tấn, tăng 0,9%, trong đó, cá đạt 1.455,3 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 67,4 nghìn tấn, tăng 0,7%.

Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của 3 tỉnh trọng điểm về khai thác cá ngừ ước đạt 11.281,7 tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tại Phú Yên ước đạt 2.356 tấn, tăng 7,1%; tại Bình Định ước đạt 7.500 tấn, tăng 2,1%; tại Khánh Hòa ước đạt 1.425 tấn, bằng 80,3% so với cùng kỳ năm 2023.