Những nỗ lực chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp Việt Nam đã bắt đầu gặt hái những “quả ngọt”. Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu rừng quốc gia, số hóa bản đồ rừng, tạo nền tảng vững chắc cho việc quản lý tài nguyên. 

Chuyển đổi số trong lâm nghiệp không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin, mà còn là sự thay đổi tư duy, cách thức quản lý, vận hành của toàn ngành. Đó là việc đưa công nghệ số vào từng khâu, từ quản lý tài nguyên, giám sát rừng đến chế biến, thương mại và đào tạo nhân lực.

Đáng chú ý, dự án FORMIS (Hệ thống quản lý thông tin ngành lâm nghiệp) đã được triển khai, giúp chuẩn hóa quy trình quản lý, lưu trữ và cập nhật thông tin tài nguyên rừng. Kết quả của dự án là Phần mềm theo dõi diễn biến rừng được ứng tại tất cả các tỉnh trong cả nước, cho phép các cơ quan quản lý theo dõi sát sao diễn biến rừng để kịp thời đưa ra các quyết định dựa trên số liệu

Phần mềm ITWood do Viện khoa học Lâm nghiệp xây dựng cũng đã được đưa vào sử dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ, đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm. Cùng với đó, hệ thống cơ sở dữ liệu vi phạm lâm luật (CSDL vi phạm lâm luật) đã được xây dựng và thí điểm áp dụng tại Cục Kiểm Lâm, giúp các cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời thông tin về các vụ vi phạm, tăng cường hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Việt Nam đã ứng dụng nhiều phần mềm trong các hoạt động về quản lý bản đồ chi trả, quản lý số liệu chi trả, theo dõi và quản lý hệ thống giám sát các chỉ số chi trả dịch vụ môi trường rừng trên cả nước. Qua đó nâng cao tính minh bạch, đảm bảo việc chi trả dịch vụ môi trường rừng kịp thời, đúng đối tượng.

Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ lớn đã bắt đầu ứng dụng hệ thống quản lý doanh nghiệp toàn diện (ERP), giúp tối ưu hóa các quy trình sản xuất, quản lý kho, tài chính, và chuỗi cung ứng.

Việc ứng dụng ảnh viễn thám để theo dõi diễn biến rừng cũng ngày càng trở nên phổ biến, giúp giảm thiểu chi phí và thời gian giám sát so với các phương pháp truyền thống.

Tại các tỉnh như Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận và Vĩnh Phúc, việc ứng dụng ảnh phần mềm quản lý rừng thông tinh, ảnh vệ tinh, flycam, phần mềm tuần tra trên mobile đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp phát hiện sớm các vụ vi phạm và có những biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời theo dõi được các hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các dự án lâm nghiệp có vốn ODA cũng đang tích cực ứng dụng GIS, công nghệ viễn thám để giám sát và quản lý rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.