Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai sẽ ngày càng dị thường, khốc liệt hơn. Bởi vậy, cần có các giải pháp để chính quyền, người dân, doanh nghiệp chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn nhấn mạnh, chúng ta đã có thời gian nghiên cứu kĩ lưỡng và có những thông tin đầy đủ cũng như những kỉ lục của cơn bão số 3 Yagi. Do đó, ông Cường cho rằng, cảnh báo sớm là một giải pháp quan trọng để tránh thiệt hại cho người dân.
Theo ông Cường, Trung tâm Khí tượng thủy văn đưa ra 4 giải pháp quan trọng:
Thứ nhất, cần đặt quan trắc dày hơn để có nhiều số liệu hơn, vùng núi dày hơn để đánh giá kĩ lưỡng, cảnh báo sớm hơn, có thể lắp rada để bớt sai số nhiều hơn.
Thứ hai, tăng cường hệ thống công nghệ cảnh báo sớm; phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên. Xu thế tất yếu là ứng dụng cách mạng 4.0, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong loại hình cảnh báo sớm.
Thứ ba, khí tượng thủy văn là không biên giới nên cần hợp tác và chia sẻ dữ liệu quốc tế; tận dụng công nghệ tiên tiến trên bình diện song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới.
Thứ tư, ứng dụng các phương tiện hiện đại trong việc truyền tin; trong đó truyền tin dễ hiểu, nhanh nhất, dễ nhất đến các đối tượng là người dân.
KHCN đóng vai trò then chốt trong việc dự báo
Theo các chuyên gia, siêu bão Yagi thêm chứng tỏ biến đổi khí hậu đi liền với thời tiết cực đoan đã trở thành xu hướng rõ rệt. Trong đó, Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, được phê duyệt từ năm 2023 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần được tăng tốc thực thi. Mặt khác, việc tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng và luyện tập các tình huống ứng phó phù hợp điều kiện vùng, miền, đặc thù của từng địa phương cho cộng đồng và người dân hết sức cấp thiết.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, những thảm họa thiên tai với tần suất và mức độ tàn phá gia tăng. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của các quốc gia. Vì vậy, khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc dự báo, phòng ngừa và giảm nhẹ các rủi ro thiên tai, cũng như ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bộ đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Cụ thể hơn, từ nhiều năm nay, cảnh báo sớm để hành động sớm đã trở thành phương châm hành động của ngành khí tượng thủy văn, không chỉ trong các tình huống thiên tai cụ thể mà xuyên suốt tất cả các ngày trong năm. Điều này có ý nghĩa quan trọng để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu, đồng thời góp phần bảo vệ cuộc sống, sinh kế bền vững cho người dân. Hiệu quả mang lại từ các bản tin dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn là rất lớn.
Đến năm 2030, mục tiêu phát triển của ngành khí tượng thủy văn hướng đến đạt trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á; nâng tổng số trạm quan trắc tự động trên toàn mạng lưới đạt 95% đối với các trạm khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao và tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng nước. Nghiên cứu áp dụng công nghệ quan trắc từ xa bằng vệ tinh, camera, viễn thám, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quan trắc phục vụ giám sát, dự báo trên diện rộng.
Nhằm tăng cường hiệu quả thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đang ứng dụng Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực. Đây là công cụ tích hợp để giám sát, phân tích, xử lý dữ liệu, kết nối dữ liệu đa nguồn trên nền WebGIS. Trên cơ sở đó, hệ thống cảnh báo sẽ hỗ trợ truyền thông tin cảnh báo theo thời gian thực trên cơ sở tự động cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mặc dù các đơn vị dự báo đã tăng cường đầu tư khoa học và công nghệ cho cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, song với loại thiên tai này, thế giới không có nhiều kỳ vọng về tính dự báo. Hiện trạng dự báo với loại hình thiên tai này mới đạt mức từ kém đến thấp và kỳ vọng đến năm 2040, khoa học có thể nâng lên mức kém đến trung bình.
Với loại hình này, cùng với nhiệm vụ tăng cường quan trắc, giám sát, việc theo dõi liên tục thông tin qua các hệ thống dự báo trực tuyến cũng như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong việc rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại địa phương là rất quan trọng để có thể chủ động phòng ngừa, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra.