Năng lượng thông minh
Thành phố Wavre (Bỉ) đã có tuổi đời lên tới 800 năm, kể từ khi được khai sinh vào năm 1222. Chính quyền thành phố đang hợp tác cùng Liên minh châu Âu trong một dự án ứng dụng 5G cải thiện hệ thống năng lượng đô thị.
Theo dự án “Réseau d'Energies de Wavre”, hay REW, các tòa nhà công cộng ở Wavre sẽ được lắp đặt đồng hồ thông minh để theo dõi các chỉ số sử dụng năng lượng thiết yếu. Hệ thống cũng kích hoạt mô hình chia sẻ năng lượng ngang hàng giúp các doanh nghiệp và tổ chức dựa theo nhu cầu thực tế.
Trong đó, các đồng hồ thông minh có lắp đặt SIM hỗ trợ 5G, tạo thành một mạng lưới điện thông minh. Trên lưới điện này, việc sử dụng năng lượng có thể được theo dõi, lập mô hình và dự đoán liên tục theo thời gian thực. Điều này được kỳ vọng tạo ra hiệu quả kinh tế với việc năng lượng được sử dụng hiệu quả và tiết kiệm.
Kết nối 5G là xương sống của dự án, khi cho phép dữ liệu di động truyền tải liên tục cả ngày với một chi phí phải chăng.
“Trong 10 năm qua, thành phố Wavre đã cam kết hoàn toàn với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số”, Anne Masson, thị trưởng Wavre, cho biết. “Đối với chúng tôi, công nghệ mới là phương tiện thiết yếu để bắp kịp một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, cũng như đáp ứng kỳ vọng của những người tham gia vào nền kinh tế, y tế, du lịch và văn hóa trên phạm vi thành phố.”
Dự án cũng sẽ bao gồm truy cập Internet 5G giá rẻ, hoặc thậm chí miễn phí, tùy theo nhu cầu. Một "phòng thí nghiệm sống", cũng được thiết lập, sử dụng các cảm biến giám sát chất lượng không khí và đưa ra các quyết định điều tiết giao thông và môi trường tốt hơn trong thành phố.
Vận hành đô thị
Năm 2018, John Suthers, khi đó là thị trưởng thành phố Colorado Springs (Mỹ), công bố kế hoạch biến đô thị này trở thành thành phố thông minh. Mục tiêu là sử dụng công nghệ và các giải pháp dựa trên dữ liệu để cải thiện môi trường sống, tính bền vững và vận hành hiệu quả dịch vụ công gồm giao thông, năng lượng và quản lý chất thải.
Sau 5 năm, dự án đã “đơm trái ngọt”. Joshua Pace, chuyên gia cấp cao tại Văn phòng Đổi mới của thành phố, cho biết “công nghệ đã thay đổi quy trình quản lý đỗ xe, giao thông và bảo trì hệ thống đèn đường”.
Chẳng hạn, các cột đèn có khả năng tự động báo cáo tình trạng mất điện ngay lập tức thông qua mạng 5G, đồng thời đóng vai trò là điểm thu thập dữ liệu với cảm biến thời tiết và chất lượng không khí tích hợp bên trong. Không chỉ vậy, chúng còn có thể phát hiện tiếng súng và WiFi cộng đồng giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.
Trong khi đó, những thùng rác lắp SIM 5G đã thay đổi phương thức quản lý chất thải, khi tối ưu hoá tuyến thu gom, từ đó giảm chi phí vận hành. Các thùng được trang bị cảm biến theo dõi mức độ rác, cho phép thu gom kịp thời và hiệu quả. Ngoài ra, cảm biến nhiệt độ cũng được lắp đặt bên trong để mở ra cơ hội phản ứng nhanh với những trường hợp cháy.
Pace cho biết các ki-ốt thông tin sử dụng kết nối 5G sẽ cung cấp thông tin địa phương và có thể được sử dụng để quảng cáo. Trong khi đó, về mặt lý thuyết, phương tiện tự hành và 5G có thể tạo ra hệ thống giao thông hiệu quả, cũng như ứng dụng AI trong điều tiết giao thông, giảm va chạm hay tắc đường.
Ưu điểm chính của 5G nằm ở tốc độ tải xuống nhanh hơn và độ trễ thấp hơn cũng như thực tế là nó không yêu cầu mạng cáp vật lý vì nó hoạt động với các tháp di động. Khả năng mở rộng và hiệu quả này làm cho 5G trở thành một giải pháp hấp dẫn cho các thành phố nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng kết nối mà không cần lắp đặt cáp quang tốn kém và gây gián đoạn.
(Theo Insider)
Lợi ích của công nghệ 5G trong việc ứng phó và khắc phục thảm họa
Trung tâm dữ liệu vi mô: Giải pháp cho những thách thức khi triển khai 5G