Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT vừa gửi các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương nội dung hướng dẫn quy trình ứng cứu, xử lý sự cố tấn công mạng.
Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT vừa hướng dẫn các cơ quan báo chí Quy trình phối hợp ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng gồm 5 bước (Ảnh minh họa: Internet) |
Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin, website, báo điện tử, tạp chí điện tử của các cơ quan báo chí, khiến cho hệ thống bị ngừng trệ hoạt động, rò rỉ, thất thoát dữ liệu.
Các hệ thống thông tin của cơ quan báo chí nếu không được phòng vệ, ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố không chỉ gây ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan ngôn luận, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước mà còn ảnh hưởng tới nhu cầu tiếp cận thông tin chính thống của người dân.
Vì thế, để bảo đảm việc ứng cứu, xử lý sự cố tấn công mạng đối với cơ quan báo chí một cách kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT hướng dẫn các cơ quan báo chí triển khai một số biện pháp ứng cứu, xử lý sự cố.
Theo hướng dẫn, khi xảy ra sự cố tấn công mạng, các cơ quan báo chí cần thực hiện theo Quy trình phối hợp ứng cứu, xử lý sự cố tấn công mạng mới được Cục An toàn thông tin xây dựng.
Quy trình này được Cục xây dựng trên cơ sở Quy trình ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng đã được Bộ TT&TT quy định trong Thông tư 20 năm 2017 về điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc, nhưng theo hướng dễ hiểu, giản lược, rõ ràng.
Quy trình phối hợp ứng cứu, xử lý sự cố tấn công mạng gồm 5 bước: Phát hiện, báo cáo sự cố; xác định hình thức tấn công, mức độ khẩn cấp; ứng cứu sự cố, khôi phục hệ thống; điều phối, ứng cứu sự cố; kết thúc xử lý sự cố, với thời gian cụ thể cho mỗi bước.
Tổng thời gian từ lúc phát hiện sự cố đến lúc hoàn thành ứng cứu ban đầu là tối đa 33 giờ. Tại mỗi bước đều có trách nhiệm cụ thể của Cục An toàn thông tin và cơ quan chủ quản - đơn vị vận hành, bộ phận ứng cứu tại chỗ.
Một điểm đáng chú ý của Quy trình là vai trò của Cục An toàn thông tin được thể hiện rõ ở tất cả các bước và là đầu mối chủ trì điều phối ứng cứu, xử lý sự cố vượt tầm kiểm soát của cơ quan báo chí.
Cụ thể, Cục An toàn thông tin chủ trì điều phối các bên gồm: ISP, doanh nghiệp an toàn an ninh mạng, Sở TT&TT các tỉnh thành phố… tham gia ứng cứu, xử lý sự cố khi sự cố vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chủ quản.
Quy trình mới được ban hành cũng bổ sung thêm trách nhiệm của Cục An toàn thông tin sau khi hoàn thành ứng cứu ban đầu là tiếp tục hỗ trợ theo dõi khắc phục sự cố trong vòng 1 tuần.
Bên cạnh việc hướng dẫn Quy trình phối hợp ứng cứu, xử lý sự cố tấn công mạng, Cục An toàn thông tin còn khuyến nghị các cơ quan báo chí cần triển khai phương án phòng ngừa sự cố tấn công mạng, bao gồm: triển khai mô hình 4 lớp đảm bảo an toàn thông tin và xây dựng phương án ứng cứu sự cố tấn công mạng.
Ngoài ra, Cục An toàn thông tin đề nghị các cơ quan báo chí cung cấp thông tin các hệ thống cần Cục An toàn thông tin hỗ trợ giám sát, cảnh báo, đánh giá và gán nhãn Tín nhiệm mạng, gửi về Cục trước ngày 5/7.
Các cơ quan báo chí có thể xem chi tiết Quy trình phối hợp ứng cứu, xử lý sự cố tấn công mạng; phương án phòng ngừa sự cố tấn công mạng; đồng thời tải mẫu văn bản cung cấp thông tin về các hệ thống cần hỗ trợ giám sát, cảnh báo và ứng cứu sự cố tấn công mạng trên website của Cục An toàn thông tin tại địa chỉ https://ais.gov.vn.
Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, các cơ quan báo chí liên hệ với Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT trực tiếp là Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) theo số điện thoại 0869100317 và thư điện tử [email protected] để được hỗ trợ.
Vân Anh
Điều gì chờ đợi hacker tấn công website báo điện tử VOV
Luật sư cho rằng, người vi phạm vào Điều 287 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có thể bị phạt tù 7 - 12 năm.