Ông Nguyễn Như Hà, Trưởng đài chuyển mạch quốc tế, Trung tâm Viễn thông quốc tế Khu vực I giới thiệu hệ thống cáp quang TVH và SMW-3. Ảnh: Trọng Hoàng

Ứng cứu SMW3: Xuất hiện ‘người hùng’ EVN, Viettel

ICTnews - Kể cả tuyến cáp quang biển trọng yếu SMW3 bị đứt, Viettel và EVN Telecom khẳng định Việt Nam cũng không thể trở thành ‘ốc đảo’ thông tin.

Sáng ngày 13/06/2007, Bộ Bưu chính Viễn thông đã chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp có tuyến cáp thông tin kết nối đi quốc tế. Tại đây, những thông tin mà Viettel và EVN Telecom tiết lộ về một số tuyến cáp quang của họ kết nối đi quốc tế làm các nhà quản lý có thể thở phào nhẹ nhõm: Rằng kể cả trong trường hợp xấu nhất là tuyến cáp quang biển SMW 3 gánh chịu hơn 80% lưu lượng thông tin với quốc tế của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) có hề hấn gì, EVN Telecom, Viettel sẵn sàng chia sẻ, lưu lượng kết nối đi quốc tế sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

VNPT chưa có phương án vẹn toàn khi SMW3 gặp sự cố

Mặc dù VNPT có đưa ra năm phương án khi tuyến cáp quang SMW3 bị sự cố, thế nhưng ông Lâm Quốc Cường, Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) cho rằng, trong trường hợp tuyến Đà Nẵng đi BU - rẽ nhánh sang Singapore, ngược lên Hồng Kong, Trung Quốc bị đứt thì toàn bộ dung lượng thông tin sẽ bị mất.

Các doanh nghiệp triển khai xây dựng cáp quang quốc tế nên cân bằng giữa lợi ích kinh doanh và an ninh thông tin

Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Lê Nam Thắng
Hiện VTI đã xây dựng phương án chuyển sang tuyến CSC với dung lượng lớn để phân tải kết nối. VTI đã đàm phán với China Telecom và China Unicom phương án sử dụng hệ thống CSC hướng đi Trung Quốc để khôi phục cho các luồng thoại và kênh thuê riêng trên hệ thống TVH và SMW3. Với phương án này, VNPT chịu chi phí đặt cọc lên đến 1.150.000 đô la Singapore (hơn 12 tỷ đồng).

Nhưng việc tăng dung lượng kết nối này cũng chỉ đủ ưu tiên cho dịch vụ thoại và thuê kênh riêng chứ không đáp ứng được cho Internet. Trong khi đó, việc tăng dung lượng vệ tinh có chi phí rất lớn với dung lượng thấp và phụ thuộc nhiều vào đối tác.

“Vũ khí bí mật” của Viettel, EVN Telecom

Trước sự lo lắng của VNPT về khả năng xấu nhất xảy ra với tuyến SMW 3, phía Viettel, EVN Telecom đã mở lối đi trong bế tắc này. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc của Viettel cho biết hiện nay Viettel đã ký kết mua dung lượng của 6 đối tác kết nối bằng cáp quang trên đất liền đi Trung Quốc. Bên cạnh đó, Viettel còn có phương thức kết nối qua vệ tinh với dung lượng đã đăng ký mua là 155 Mbps nhưng hiện mới sử dụng 56 Mbps chủ yếu làm backup (dự phòng).

Trong trường hợp tuyến cáp SMW3 bị sự cố, Viettel sẽ miễn phí để hỗ trợ VNPT để cùng nhau vượt qua khó khăn

Ngoài ra, Viettel còn một số tuyến cáp quang kết nối trên đất liền đi Campuchia và Lào nhưng chủ yếu để bán lưu lượng quốc tế cho những nước này. Hiện Viettel có tổng dung lượng kết nối đi quốc tế khoảng 7,5 Gbps, nhưng thực sự mới dùng khoảng 3,5 Gbps.

“Nếu cộng cả dung lượng đang sử dụng của Viettel với EVN đã có tổng lớn hơn 5G, đủ sức đáp ứng, chia sẻ cho dung lượng của VNPT hiện nay là 4G”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. Ông Hùng cũng nhấn mạnh trong trường hợp tuyến cáp SMW3 bị sự cố, Viettel sẽ miễn phí để hỗ trợ VNPT để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Như vậy, công việc hiện nay là VNPT và Viettel là xây dựng đường truyền dẫn giữa hai bên với nhau để chuyển tải lưu lượng khi có sự cố xảy ra.

Cũng như Viettel, ông Nguyễn Mạnh Bằng, Giám đốc EVN Telecom cho biết, EVN Telecom sẵn sàng hỗ trợ VNPT khi có sự cố xảy ra.

Hiện nay EVN Telecom có hai tuyến cáp quang kết nối đi Trung Quốc bằng cáp treo với tổng dung lượng là 5 Gbps và hiện đang sử dụng gần hết dung lượng này. Ngoài ra, EVN Telecom còn kết nối qua vệ tinh mặt đất có thể mở đến 100 Mbps. Dự kiến đến tháng 7/2007, EVN Telecom sẽ nâng cấp các tuyến cáp này lên 10 Gbps. Với dung lượng này EVN Telecom có thể chia sẻ cho VNPT khi mà tuyến SMW3 bị đứt. Hiện EVN Telecom mới xây dựng được đường kết nối sang Viettel chứ chưa kết nối sang VNPT.

Phương án Viettel và EVN Telecom đưa ra hoàn toàn có thể thừa dung lượng ứng cứu cho SMW3

Ông Lâm Quốc Cường cho biết, trên thực tế lưu lượng đi quốc tế của VNPT qua SMW3 mới khoảng 4 Gbps. Thêm vào đó, VTI cũng có thể chuyển tải lưu lượng thêm 1 Gbps qua các tuyến cáp quang khác. Cho nên, phương án Viettel và EVN Telecom đưa ra hoàn toàn có thể thừa dung lượng ứng cứu cho SMW3 khi tuyến này bị đứt.

Vấn đề hiện nay là cả VNPT, Viettel và EVN Telecom sẽ thống nhất kế hoạch để xây dựng các đường kết nối với nhau để chuyển tài lưu lượng khi sự cố xảy ra.

Ông Bùi Thiện Minh, Phó tổng giám đốc VNPT nói sẽ chỉ đạo VTI làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để chuẩn bị phương án kết nối. Các tuyến kết nối này cũng sẽ làm dự phòng cho cả VNPT và Viettel khi có sự cố xảy ra. Nếu phương án kết nối với các doanh nghiệp khả thi, VNPT sẽ huỷ phương án kết nối với các đối tác khác.

Yêu cầu doanh nghiệp hợp tác xây dựng cáp quang quốc tế

Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Lê Nam Thắng tại cuộc họp này đã nói, hiện các doanh nghiệp viễn thông mới chỉ lên kế hoạch dự phòng dung lượng kết nối đi quốc tế cho chính bản thân mình chứ chưa có sự phối hợp với các doanh nghiệp khác.

VTI mới có phương án dự phòng giữa SMW với TVH, chưa có kế hoạch hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, khi sự cố xảy ra sẽ rơi vào tình trạng lúng túng giống như trường hợp của tuyến TVH và nguy cơ đối với SMW3.

Đề nghị Bộ Bưu chính Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp nên chia nhau mua lưu lượng của các đối tác khác nhau với các hướng để trong trường hợp gặp sự cố sẽ có tuyến cáp dự phòng

Thứ trưởng Lê Nam Thắng yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng phương án dự phòng và có sự phối hợp với kế hoạch của các doanh nghiệp khác để tận dụng tối đa hạ tầng truyền dẫn đi quốc tế và chuyển tải lưu lượng khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, các doanh nghiệp triển khai xây dựng cáp quang quốc tế nên cân bằng giữa lợi ích kinh doanh và an ninh thông tin.

Đến cuối tháng Sáu này các doanh nghiệp phải trình lên Bộ phương án dự phòng này. Vụ Viễn thông sẽ phải đề ra kế hoạch và phương án phối hợp chung cho các doanh nghiệp về vấn đề kết nối đi quốc tế. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đề nghị VNPT cần phải sớm khắc phục xử lý sự cố tuyến cáp quang TVH để đưa vào khai thác.  

Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp nên chia nhau mua lưu lượng của các đối tác khác nhau với các hướng để trong trường hợp gặp sự cố sẽ có tuyến cáp dự phòng. Ông Hùng phân tích, hiện tổng lưu lượng kết nối đi quốc tế (chủ yếu là Internet) của các doanh nghiệp Việt Nam khoảng 15 Gbps. Tuy nhiên, trong vài năm tới có thể sẽ tiến tới kết nối tới hàng trăm Gbps. Với dung lượng này, các doanh nghiệp có thể cùng chung nhau xây dựng tuyến cáp quang riêng của mình chứ không phải dùng của các đối tác nước ngoài.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Bằng cho rằng các doanh nghiệp nên chung sức xây dựng tuyến cáp quang mới kết nối đi phía Móng Cái (Quảng Ninh) sang châu Á. Hiện Việt Nam có quá ít các tuyến cáp quang đi quốc tế. Trong khi, Hàn Quốc có diện tích nhỏ hơn, nhưng có tới 46 tuyến cáp quang.

Thái Khang