Theo ông Phạm Văn Thuyên (Kiểm lâm viên, Phòng Thanh tra pháp chế), trước đây khi xử lý các vụ vi phạm mua bán động vật hoang dã, các cán bộ phải tra cứu thủ công theo các quy định pháp luật rất khó khăn. Các vụ việc nghiêm trọng, cán bộ điều tra phải mang tang vật tới các cơ quan giám định gây tốn kém và chờ đợi lâu. 

Vì vậy, Phòng Thanh tra pháp chế đã đưa vào sử dụng ứng dụng công nghệ hỗ trợ nhận dạng động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã trong hoạt động xử lý vi phạm. Đây là công cụ định dạng loài, được thiết kế dưới dạng Website do Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WCS) tại Việt Nam xây dựng và phát triển. Mọi dữ liệu của công cụ được lưu trữ online giúp việc tra cứu thông tin động vật hoang dã nhanh chóng, chính xác. 

bay co.png
Săn bắt cò trái phép tại Bắc Giang. 

Theo ông Thuyên, hiện nay ứng dụng đã lưu cơ sở dữ liệu thông tin mô tả nhận dạng của hơn 200 loài động vật hoang dã và 12 nhóm sản phẩm động vật hoang dã thường bị buôn bán trái pháp luật ở Việt Nam và sẽ tiếp tục được cập nhật trong thời gian tới. Hệ thống ứng dụng còn cho phép truy cập các tài liệu, văn bản pháp luật, hình ảnh, video liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã. 

Bắc Giang nằm trên trục vòng cung Đông Bắc – Tây Bắc, hệ thống giao thông kết nối với các Cửa khẩu quốc tế như Tân Thanh (Lạng Sơn), Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Bắc Giang trở thành điểm trung chuyển của các đối tượng vận chuyển, mua bán động vật hoang dã trái phép. Ngoài ra, trên địa bàn Bắc Giang còn xảy ra tình trạng người dân lén lút săn bắn, mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhưng tình trạng này vẫn diễn ra qua các năm. 

Hoạt động mua bán động vật hoang dã mang lại siêu lợi nhuận nên các đối tượng liên tục sử dụng các thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng. Thậm chí, các hoạt động giao dịch trên mạng xã hội như Zalo, Facebook gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc giám sát, ngăn chặn. 

Trong nhiều năm qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện công tác bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ động vật hoang dã riêng.

Năm 2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 29 triển khai đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của tỉnh Bắc Giang bao gồm các loài, các nguồn gen quý hiếm. Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học.

Ban hành các chuyên đề đấu tranh, tấn công trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật như hủy hoại môi trường sinh thái, khai thác, mua bán, tiêu thụ, vận chuyển, nuôi trồng các loài hoang dã nguy cấp, quy, hiếm và quản lý nguồn gen.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý nuôi động vật hoang dã đến các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định. Lập cơ sở dữ liệu về các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên địa bản quản lý. 

Vân Anh và nhóm PV, BTV