Nhân dịp ký Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) vào tối 29/12/2020 (giờ Việt Nam), Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Trần Ngọc An đã trả lời phỏng vấn của báo chí.
Hiệp định UKVFTA là một thỏa thuận song phương thế hệ mới, chất lượng cao hướng tới loại bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cũng như hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa hai nước theo lộ trình ngắn. Bên cạnh các quy định về hàng hóa, Hiệp định cũng có các điều khoản quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ (IP), tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững...
UKVFTA góp phần gia tăng đáng kể hàng hóa Việt-Anh vào thị trường của nhau. Ảnh minh họa. |
Ở tầm chiến lược, việc hoàn tất tạo thêm sự gắn kết và đan xen về kinh tế giữa hai nước, qua đó làm sâu sắc thêm và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh, như mong muốn và quyết tâm chính trị của hai nước thể hiện trong Tuyên bố chung giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Anh dịp hai nước kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược vào tháng 9/2020.
Ý nghĩa quan trọng thứ hai của Hiệp định, như mong muốn của cả hai bên khi bắt đầu đàm phán là bảo đảm thương mại song phương không gián đoạn khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Việc hai nước ký thỏa thuận để triển khai trên thực tế UKVFTA đầu năm 2021, ngay khi giai đoạn quá độ Brexit kết thúc vào ngày 31/12/2020, sẽ bảo đảm cho việc giao thương hàng hóa hai nước được suôn sẻ, nhất là những hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ý nghĩa quan trọng thứ ba là UKVFTA sẽ góp phần gia tăng đáng kể hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau. Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2010, kim ngạch thương mại
Việt Nam-Anh tăng mạnh ở mức hai con số từ mức 2 tỷ USD lên 6,6 tỷ USD năm 2019, trong đó Việt Nam xuất khẩu 5,7 tỷ USD.
Trong 11 tháng của năm 2020, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 và Brexit, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt xấp xỉ 5,2 tỷ USD. Chỉ hai ngày sau khi Hiệp định được ký kết, tức là từ ngày 1/1/2021, UKVFTA sẽ tác động tích cực ngay cho các doanh nghiệp của Việt Nam và Anh với việc cắt giảm thuế quan đáng kể cho hơn 70% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh và ở chiều ngược lại là 65%, trong đó nhiều hàng hóa sẽ được hưởng thuế suất 0%. Và sau 6 năm, trên 99% hàng hóa hai nước sẽ có mức thuế 0%. Với tính chất tương hỗ cao của hai nền kinh tế, Hiệp định sẽ giúp kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới theo tinh thần “cùng thắng.”
Đối với Việt Nam, việc loại bỏ thuế quan sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các ngành xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam như điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép; nông sản như, gạo, cà phê, cao su; thủy sản; đồ gỗ, hàng gốm sứ... Với Anh, những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều sẽ là dược phẩm, máy móc, thiết bị, hóa chất, ô tô, ngân hàng, bảo hiểm...
Ví dụ như bắt đầu từ ngày 1/1/2021 một khối lượng gạo khá lớn của Việt Nam theo hạn ngạch sẽ được hưởng thuế suất 0% khi nhập vào Anh (trước đây phải chịu thuế 17,5%). Nhiều mặt hàng thủy sản như tôm, cá là thế mạnh của Việt Nam cũng sẽ được giảm xuống 0% từ mức thuế cơ bản là 10-20%. Trong khi đó, khoảng một nửa nhập khẩu dược phẩm từ Anh sẽ được miễn thuế ngay lập tức. Doanh nghiệp Anh có thể mở công ty và phân phối dược phẩm tại Việt Nam. Việc mở cửa thị trường mua sắm chính phủ của Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho hàng hóa và doanh nghiệp Anh.
Để hàng hóa Việt Nam vào được thị trường Anh, theo đại sứ Trần Ngọc An, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những điều sau:
Với quy mô kinh tế 2.800 tỷ USD năm 2019, Anh là nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu và thứ 5 trên thế giới. Mặc dù xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Anh tăng nhanh trong 10 năm qua, nhưng kim ngạch xuất khẩu của ta chiếm chưa đến 1% kim ngạch nhập khẩu của Anh (năm 2019 là 700 tỷ USD). Xin đơn cử, năm 2019, Anh nhập khẩu 670.000 tấn gạo từ các nước, trong đó từ Thái Lan là 70.000 tấn, thì Việt Nam mới xuất vào Anh khoảng 1.300 tấn gạo. Hàng dệt may vốn là thế mạnh của Việt Nam hiện cũng chỉ chiếm 2,77% nhập khẩu của Anh. Điều này cho thấy tiềm năng và cơ hội để hàng hóa Việt Nam vào Anh còn rất lớn nếu ta tận dụng tốt lợi thế do UKVFTA đem lại.
Tuy nhiên, để vào được Anh - thị trường cao cấp, hàng hóa Việt Nam cần đáp đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, thẩm mỹ, vệ sinh, môi trường. Anh là thị trường có độ mở cao nên đây sẽ là sân chơi của nhiều nước, do vậy cùng với việc bảo đảm chất lượng, hàng hóa Việt Nam phải có giá cả cạnh tranh. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đồng thời cần tăng cường công tác tiếp thị, thông tin quảng bá sản phẩm. Chữ tín cũng là điều kiện tiên quyết để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng lâu dài tại thị trường Anh.
Về làn sóng đầu tư từ các nhà đầu tư Anh vào Việt Nam trong thời gian tới, đại sứ Trần Ngọc An cho rằng, Việt Nam là một thị trường 100 triệu dân lại được kết nối với 60 nền kinh tế khác với dung lượng thị trường hơn 2 tỷ dân (thông qua 15 Hiệp định FTA đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết), có tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hàng đầu khu vực và thế giới trong suốt 3 thập kỷ qua, đặc biệt là kỳ tích sớm kiềm chế thành công đại dịch COVID-19, duy trì tăng trưởng kinh tế gần 3% năm 2020 đang ngày càng thu hút sự quan tâm và là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu.
Anh là nước có thế mạnh hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực dịch vụ như bảo hiểm, ngân hàng; hàng hóa công nghệ cao như dược phẩm, hóa chất, thiết bị vận tải, năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường... Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam cần.
Là nước xuất khẩu lớn thứ 5 trên thế giới trong năm 2019, nhưng hàng hóa của Anh hiện chiếm chưa tới 3% thị phần nhập khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng tăng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Anh vào Việt Nam do UKVFTA đem lại là rất lớn.
Việc hoàn tất UKVFTA chắc chắn sẽ đưa nước Anh tiến gần hơn tới mong muốn “nước Anh toàn cầu” trở thành bên đối thoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tương lai không xa do Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN và là một thành viên sáng lập của CPTPP.
Với UKVFTA đi vào triển khai, có thể dự báo làn sóng mới về đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ Anh, nhất là trong những lĩnh vực Anh có thế mạnh như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường sẽ diễn ra mạnh mẽ. Mới đây, việc chỉ một doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Anh sẵn sàng đầu tư hàng chục tỷ USD để sản xuất điện gió, chế tạo tuốcbin và xây dựng mạng lưới truyền tải điện tại Việt Nam nếu được chính phủ Việt Nam chấp thuận đã cho thấy tiềm năng lớn của các nhà đầu tư từ Anh quốc, vốn luôn đứng trong nhóm 5 nước hàng đầu trên thế giới về đầu tư ra bên ngoài.
Thái An lược ghi