Theo hãng tin Reuters, đây là tuyên bố hôm 24/11 của ông Vasyl Maliuk, người đứng đầu Cơ quan An ninh Nội địa Ukraine (SBU), về vụ tấn công hồi tháng 7 bằng thiết bị không người lái trên biển nhằm vào cầu Crưm, cây cầu nối bán đảo Crưm với đất liền Nga và là cầu dài nhất châu Âu.
Cũng theo ông Maliuk, vụ tấn công thứ 2 trong số 2 vụ tấn công lớn vào tháng 8 đã làm gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động trên cầu Crưm dài 19km, và làm ảnh hưởng tới tâm lý bất khả chiến bại của Nga.
“Trên thực tế, chúng tôi đã làm đảo ngược triết lý hoạt động hải quân Nga. Chúng tôi đã phá hủy huyền thoại về sự bất khả chiến bại của Nga. Cây cầu sẽ bị tiêu diệt. Rất nhiều điều bất ngờ đang ở phía trước, chứ không chỉ riêng cầu Crưm”, ông Maliuk nói trong loạt phim tài liệu mang tên “SBU, Chiến dịch đặc biệt vì chiến thắng”.
Người đứng đầu SBU cho hay, vụ tấn công cầu Crưm có sự tham gia của 5 thiết bị không người lái trên biển "Sea Baby" và được các lực lượng Ukraine điều khiển từ cách xa 1.000km về phía bắc.
Hình ảnh trong bộ phim tài liệu cho thấy một vụ nổ xuất hiện trên cầu Crưm, và các kỹ thuật viên Ukraine đang ăn mừng trong phòng điều khiển. Báo cáo từ các đặc vụ Ukraine cho hay, 6 trong 8 kết cấu hỗ trợ của cầu Crưm đã bị phá hủy, buộc các lực lượng Nga chuyển sang sử dụng phà để vận chuyển vũ khí cho quân đội.
Nga từng xác nhận vụ tấn công của Ukraine vào cầu Crưm hồi tháng 7 đã khiến 2 người thiệt mạng. Giao thông trên cầu đã nối lại, nhưng công việc sửa chữa vẫn đang được tiến hành. Cầu Crưm được hoàn thành vào năm 2018, 4 năm sau khi bán đảo Crưm thuộc Ukraine sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Ngoài cầu Crưm, các lực lượng Ukraine còn tấn công vào nhiều mục tiêu khác trên Biển Đen như dùng tên lửa tập kích trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở thành phố Sevastopol vào tháng 9.
Trong tháng này, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine đã giành được thế chủ động từ Nga trên biển Đen nhờ các thiết bị không người lái trên biển, và buộc hạm đội Hải quân Nga cùng tàu chiến phải rút lui.