Trong một tuyên bố trên Facebook ngày 14/5, ông Reznikov viết: "Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới, kéo dài của cuộc chiến. Để giành chiến thắng, chúng ta cần phải hoạch định nguồn lực một cách cẩn thận, tránh các sai lầm và phung phí sức mạnh của mình theo cách kẻ thù rốt cuộc sẽ phá vỡ được".

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov (giữa) cho biết Kiev đang chuẩn bị cho giai đoạn mới, kéo dài của cuộc xung đột quân sự với Nga. Ảnh: greekcitytimes.com

Theo báo Guardian, ông Reznikov cảm ơn Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng như các đối tác Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vì đã ủng hộ việc tăng viện trợ quân sự cho Kiev.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ukraine nói, mục tiêu của nước này là "khôi phục chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ bên trong các đường biên giới được quốc tế công nhận”. Ông Reznikov cũng lưu ý, ông đang “tập trung vào nhu cầu vũ trang cho một triệu người phải đối mặt với kẻ thù”. Quan chức này cảnh báo "các tuần vô cùng cam go đang ở phía trước" và Ukraine cần phải "đoàn kết, ý chí, gắn kết và kiên nhẫn" trong giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Nga cắt nguồn cung điện cho Phần Lan từ ngày 14/5

Nga sẽ đình chỉ xuất khẩu điện sang Phần Lan bắt đầu từ ngày 14/5 do các vấn đề trong việc nhận thanh toán, theo thông báo của Fingrid, nhà điều hành hệ thống truyền tải của Phần Lan.

“RAO Nordic Oy, một công ty con của Inter RAO, doanh nghiệp Nga chuyên kinh doanh điện qua các trạm kết nối 400kV, sẽ tạm ngừng nhập khẩu điện cho Phần Lan vào lúc 1h sáng ngày 14/5/2022", trích tuyên bố ngày 13/5 của Fingrid.

CNN dẫn lời công ty RAO Nordic Oy giải thích, họ đã không nhận được khoản thanh toán cho lượng điện bán ra kể từ ngày 6/5 và đây là lần đầu tiên việc đó xảy ra trong hơn 20 năm lịch sử kinh doanh của mình.

“Thật không may, trong tình hình thiếu doanh thu tiền mặt như hiện nay, RAO Nordic không thể thanh toán cho lượng điện nhập khẩu từ Nga. Do đó, chúng tôi buộc phải tạm dừng nhập khẩu điện từ ngày 14/5 ”, công ty con của Nga cho hay.

Theo Fingrid, việc cung cấp điện ở Phần Lan không bị đe dọa vì lượng nhập khẩu từ Nga trong những năm gần đây chỉ chiếm 10% tổng lượng điện tiêu thụ của nước này. Phó chủ tịch Fingrid tiết lộ, lượng điện thiếu hụt từ xứ sở bạch dương sẽ được bù đắp bằng cách nhập thêm điện từ Thụy Điển và việc Phần Lan tự sản xuất thêm.

Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, thông tin trên một tờ báo Phần Lan về việc Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt cho Phần Lan sau ngày 13/5 có thể là tin giả. Ông Peskov cũng nêu rõ tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga Gazprom vẫn là một nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy và đang cung ứng nhiên liệu cho nhiều khách hàng, bao gồm cả các nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Tuần trước, Chính phủ Phần Lan cho biết đã chuẩn bị cho khả năng Nga ngừng vận chuyển khí đốt đến nước này sau khi Helsinki từ chối yêu cầu của Moscow về việc thanh toán các hợp đồng bằng đồng Rúp.

G7 ủng hộ thêm viện trợ, vũ khí cho Ukraine

Tại cuộc họp ở Weissenhaus, Đức ngày 13/5, các ngoại trưởng của nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7) đã ủng việc cung cấp thêm viện trợ và vũ khí cho Ukraine để chống lại các lực lượng Nga. Đức mô tả đây là "dấu hiệu mạnh mẽ về sự đoàn kết" nhằm cô lập Nga vì chiến dịch tấn công quân sự vào nước láng giềng.

Các nhà ngoại giao, bao gồm cả lãnh đạo chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell (thứ 2 từ trái sang), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (thứ 5 từ bên trái) và Ngoại trưởng Moldova Nicu Popescutham (thứ 7 từ trái sang) tham gia cuộc họp của các ngoại trưởng G7 ở Weissenhaus, Đức ngày 13/5. Ảnh: Reuters

Trao đổi với phóng viên bên lề cuộc họp, lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng thông báo gói viện trợ quân sự mới của khối, trị giá hơn 500 triệu Euro (khoảng 521 triệu USD) và hiện vẫn cần được các nước thành viên EU thông qua vào tuần tới. Ông Borrell cũng bày tỏ tin tưởng rằng, liên minh sẽ nhất trí về một lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Nga.

Trước đó, theo Reuters, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã công bố các biện pháp trừng phạt mới của London nhằm vào mạng lưới tài chính và nhũng người thân cận Tổng thống Nga Vladimir Putin, kể cả vợ cũ của ông và những người họ hàng. Bà Truss đồng thời kêu gọi đẩy mạnh việc chuyển giao vũ khí cho Kiev.

Tuấn Anh

Vì sao quân đội Ukraine vẫn sử dụng súng máy 100 năm tuổi?Truyền thông Nga gây chú ý khi chế giễu việc quân đội Ukraine đang sử dụng các loại súng máy có từ thời nước này còn thuộc đế chế Nga Sa hoàng để chống lại các lực lượng Moscow.