Đây là nhận định của tạp chí Forbes sau khi một nguồn tin an ninh chia sẻ với hãng tin Sputnik về việc 2 hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất nằm trong số khí tài quân sự bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander của Nga ở thị trấn Pokrovsk thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng. Ngoài ra, một hệ thống S-300 của Ukraine cũng đã bị phá hủy trong cuộc tấn công này.
“Ukraine hoặc một trong số đồng minh của Kiev có thể đặt mua các bệ phóng để thay thế cho 2 bệ phóng Patriot mà Nga vừa phá hủy, nhưng quá trình này có thể mất vài tháng, thậm chí nhiều năm, và tiêu tốn hàng triệu USD mà Kiev có thể không có ngân sách để chi trả”, Forbes cho hay.
Cũng theo Forbes, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Mỹ "đã ngăn chặn việc viện trợ thêm cho Ukraine kể từ tháng 10/2023, nên chuyện Ukraine để mất hệ thống Patriot là không thể dễ dàng thay thế".
Forbes cũng cho rằng Ukraine "có xu hướng muốn được tài trợ các khẩu đội và tên lửa Patriot". “Trong khi Đức, Hà Lan, hoặc một số nước châu Âu khác có thể tặng thêm Patriot, nhưng tốt nhất là đến từ Mỹ”, Forbes cho hay.
Lần gần nhất quân đội Nga tấn công hệ thống Patriot của Ukraine là vào cuối tháng 2. Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Kiev nhiều thiết bị quân sự, kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Điện Kremlin đã liên tục cảnh báo việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định bất kỳ vũ khí nào được cung cấp cho Ukraine cũng sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp bị quân đội Nga tấn công.