Tổng thống Zelensky đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng Luzerne của Thụy Sỹ hồi tháng 6 để tìm kiếm sự ủng hộ cho “kế hoạch hòa bình” của mình, gồm 10 điểm mà Moscow đã bác bỏ. Sự kiện phía Nga không được mời tham dự này đã không đạt kết quả như mong muốn của Kiev.
Ukraine và các đồng minh ban đầu dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình thứ 2 vào tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, theo đài RT, phát biểu trước truyền thông hôm 8/10, Darya Zarivna, cố vấn cấp cao của ông Zelensky cho biết kế hoạch này hiện đã bị hủy bỏ.
Bà Zarivna lưu ý, công tác chuẩn bị cho một hội nghị vào thời điểm khác vẫn đang tiếp tục, với "các cuộc họp chuyên đề" dành riêng cho từng điểm trong kế hoạch hòa bình để mọi thứ sẵn sàng cho sự kiện. Quan chức này tiết lộ, cuộc họp chuyên đề cuối cùng nhằm giải quyết các mối quan tâm nhân đạo sẽ diễn ra tại Canada vào cuối tháng 10.
Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng trước, ông Zelensky tuyên bố đã trình bày "kế hoạch chiến thắng" với Tổng thống Joe Biden và cả 2 ứng cử viên tổng thống của xứ sở cờ hoa năm nay là Phó tổng thống Kamala Harris và cựu lãnh đạo Nhà Trắng Donald Trump. Mặc dù các chi tiết chính xác chưa được công khai, nhưng 5 điểm trong bản kế hoạch rò rỉ tới truyền thông gồm phương Tây tăng cường viện trợ tài chính và kinh tế cho Kiev, kết nạp Ukraine vào các tổ chức NATO và Liên minh châu Âu (EU) cũng như cho phép quân Ukraine tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Moscow mô tả điểm cuối cùng là sự can dự trực tiếp của Mỹ và các đồng minh vào cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng, đồng thời đe dọa sẽ có phản ứng thích hợp. Kể từ đó, Nga thông báo điều chỉnh học thuyết hạt nhân của nước này cho phù hợp.
Anh áp trừng phạt mới chống Nga
Anh hôm 8/10 cáo buộc Nga sử dụng vũ khí hóa học chống lại Ukraine và công bố lệnh trừng phạt mới nhắm vào Lực lượng Phòng vệ hóa học và sinh học phóng xạ (RChBD) của Moscow. Động thái diễn ra một ngày sau khi lãnh đạo RChBD, Trung tướng Igor Kirillov lên tiếng tố cáo các lực lượng Kiev đang chuẩn bị dàn dựng một vụ tập kích bằng vũ khí hóa học để đổ lỗi cho Nga.
Chính phủ Anh lên án “việc Nga vi phạm Công ước vũ khí hóa học (CWC)", một thỏa thuận được hầu hết các quốc gia trên thế giới ký kết. London công bố áp trừng phạt cả RChBD và ông Kirillov cũng như 2 phòng thí nghiệm hoạt động theo thẩm quyền của Bộ Quốc phòng Nga. Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm đi lại, đóng băng tài sản và cấm cung cấp nguồn lực kinh tế cho các thực thể trong “danh sách đen”.
Phía Nga nhất quyết bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời khẳng định đã tiêu hủy số vũ khí hóa học cuối cùng của nước này cách đây vài năm, dưới sự giám sát của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW).