Đây là tuyên bố của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TSN của Ukraine hôm 19/1. 

"Trong năm 2024, Nga đã mất số binh sĩ nhiều hơn 2 năm trước cộng lại", ông Syrskyi nói.

Còn theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, tính đến ngày 19/1, Nga đã mất tổng cộng 818.740 quân kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. 

nga ukraine .jpg
Binh sĩ Nga. Ảnh: Tass

Trong năm qua, Nga đã giành thêm quyền kiểm soát nhiều vùng đất ở miền đông Ukraine và tỉnh biên giới Kursk, nhưng lại phải trả giá bằng thương vong nặng nề.

Trong đó, tổn thất của Nga đạt mức cao kỷ lục vào tháng 11 và 12/2024. Trong đó, mức tổn thất cao nhất tính theo ngày là 2.030 người vào tháng 11/2024. 

Hiện Nga chưa lên tiếng bình luận về thông tin trên. 

Dù chính phủ Nga không tiết lộ số liệu binh sĩ thương vong, nhưng một quan chức Bộ Quốc phòng Nga gần đây cho biết bộ này đã nhận được 48.000 yêu cầu xác định danh tính những người lính mất tích.

Theo một cuộc điều tra chung của BBC Russia và Mediazona, các nhà báo đã xác định được tên của 88.726 binh sĩ Nga thiệt mạng trong quá trình tham chiến ở Ukraine. Năm 2024 được đánh giá là “năm tổn thất nặng nề nhất” đối với quân đội Nga với số lượng hơn 20.000 binh sĩ trong vòng 12 tháng.

Còn vào tháng 12/2024, trong một tuyên bố hiếm hoi, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đã mất 43.000 binh sĩ trong quá trình giao tranh với Nga.

Ukraine tự sản xuất hệ thống phòng không

Cũng trong ngày 19/1, Tướng Syrskyi cho biết Ukraine đang tự phát triển các hệ thống phòng không. Ngoài ra, Kiev cũng đang vận động các đối tác quốc tế tăng cường năng lực phòng không, sau khi Nga liên tiếp tập kích vào các cơ sở hạ tầng năng lượng.

"Quay trở lại thời Liên Xô cũ, chúng tôi từng sản xuất tất cả hệ thống kiểm soát cho các hệ thống phòng không. Nghĩa là chúng tôi có năng lực và khả năng để sản xuất, và chúng tôi đang nỗ lực để tạo ra tổ hợp phòng không nội địa", ông Syrskyi nói với TSN.

Ông nói thêm, hệ thống do Ukraine tự sản xuất nhằm mục đích sánh ngang với hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.

Theo ông, mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik mới của Nga là động lực mạnh mẽ để Kiev tự sản xuất hệ thống phòng không chống tên lửa. Ông nói thêm, hiện chỉ có ít hệ thống phòng không có thể ngăn chặn tên lửa Oreshnik, và Ukraine không có năng lực này.  

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh, các hệ thống phòng không của phương Tây không có khả năng đánh chặn tên lửa Oreshnik.

Trong khi đó, Mỹ đang vận hành Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung. Song hệ thống này chưa được cung cấp cho Ukraine, và chưa từng được thử nghiệm đánh chặn Oreshnik.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, Ukraine đặt mục tiêu chi kỷ lục 35 tỷ USD cho hoạt động sản xuất vũ khí vào năm 2025. Ngoài ra, Anh đã đồng ý tài trợ cho chương trình sản xuất hệ thống phòng không, và vũ khí tầm xa tại Ukraine.