Tetiana Apatchenko, sĩ quan báo chí thuộc Lữ đoàn Cơ giới số 92, lực lượng chính của Ukraine ở thành phố Kharkiv, hôm 10/5 xác nhận quân đội Ukraine đã giành lại khu dân cư ở các làng Cherkaski Tyshky, Ruski Tyshki, Borshchova và Slobozhanske ở phía bắc tỉnh Kharkiv.
Yuriy Saks, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov, nói rằng những bước tiến của quân đội nước này đã đẩy pháo binh Nga ra khỏi tầm bắn hướng đến Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của Ukraine và là nơi liên tục bị pháo kích từ những ngày đầu chiến sự. "Hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine xung quanh Kharkiv, đặc biệt ở phía bắc và đông bắc, là một thành công", ông Yuriy Saks nói với hãng thông tấn Reuters.
Phía Nga không xác nhận thông tin Ukraine giành lại các ngôi làng ở Kharkiv. Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày tuyên bố đã đẩy các lực lượng Ukraine khỏi thị trấn Popasna thuộc tỉnh Lugansk.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, quân đội nước này đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 120 binh sĩ, phá hủy 13 xe bọc thép và 12 phương tiện các loại trong ngày 9/5. Ngoài ra, Moscow cho biết cũng đã bắn rơi một máy bay cường kích Su-25 của Ukraine. Kiev chưa xác nhận những con số này.
Nhật Bản trừng phạt thủ tướng Nga
Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 10/5 đã thông báo quyết định đóng băng tài sản đối với 8 quan chức, doanh nhân Nga và thân nhân của họ, cùng với hơn 130 cá nhân thuộc các vùng ly khai phía đông Ukraine. Đáng chú ý trong số này có Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, Phó Tổng thư ký Hội đồng An ninh Nga Rashid Nurgaliyev, các lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, cũng như các thành viên gia đình của nhà tài phiệt Gennady Timchenko.
Nhật Bản cũng áp lệnh trừng phạt xuất khẩu bổ sung, và mở rộng danh sách các công ty bị ảnh hưởng mà Tokyo cho là có liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Danh sách trừng phạt đã bổ sung thêm 70 công ty, trong đó có các tập đoàn quân sự Almaz-Antey và tập đoàn Thiết bị Tên lửa Chiến thuật Nga.
Với thông báo mới nhất, Nhật Bản đã đưa hơn 700 công dân Nga, Belarus, các vùng ly khai phía đông Ukraine, cùng hơn 200 công ty và tổ chức của Nga vào danh sách trừng phạt. Bên cạnh đó, 300 mặt hàng như chất bán dẫn, thiết bị an ninh hàng hải và hàng không, thiết bị viễn thông, sản phẩm quân sự, phần mềm và thiết bị lọc dầu cũng bị Nhật đưa vào danh mục hàng hóa và công nghệ bị cấm xuất khẩu tới Nga. Tokyo còn đóng băng tài sản của các ngân hàng Nga như Otkritie Bank, Novikombank, Sovcombank, VTB, Rossiya Bank, Promsvyazbank và VEB.RF.
Tổng thống đầu tiên của Ukraine sau năm 1991 qua đời
Cựu tổng thống Leonid Kravchuk đã qua đời vào trưa ngày 10/5 ở tuổi 88. Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã xác nhận thông tin này trên ứng dụng Telegram, đồng thời cho biết trước khi qua đời, ông Kravchuk vốn có tình trạng sức khỏe kém và từng trải qua một ca phẫu thuật tim vào năm ngoái.
Ông Leonid Kravchuk từng giữ chức Chủ tịch Xô Viết tối cao của nhà nước Cộng hòa Xô Viết Ukraine, trước khi trở thành tổng thống nước Cộng hòa Ukraine từ năm 1991 đến 1994. Tổng thống Kravchuk sau đó đã thất cử trong cuộc đua với đối thủ là Leonid Kuchma vào năm 1994, nhưng ông vẫn hoạt động chính trị cho đến năm 2006 rồi mới nghỉ hưu.
Năm 2020, ông Kravchuk được bổ nhiệm làm người đứng đầu "nhóm liên lạc" của Chính phủ Kiev để thúc đẩy việc đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột ở khu vực Donbass.
Belarus đưa lực lượng đặc biệt đến sát biên giới với Ukraine
Tổng tham mưu trưởng quân đội Belarus Viktor Gulevich hôm 10/5 tuyên bố, nước này sẽ đưa lực lượng đặc biệt đến biên giới với Ukraine nhằm đáp trả những "mối đe dọa ngày càng tăng" từ Mỹ và các đồng minh.
“Mỹ và đồng minh tiếp tục gia tăng hiện diện về quân sự ở biên giới Cộng hòa Belarus. 6 tháng qua, sự hiện diện quân sự của họ tăng hơn gấp đôi cả về số lượng lẫn chất lượng”, ông Gulevich cho biết, theo Reuters. “Nhằm bảo đảm an ninh cho Cộng hòa Belarus ở phía nam, nước này sẽ đưa lực lượng đặc biệt đến 3 vùng gần biên giới với Ukraine".
Tổng tham mưu trưởng quân đội Belarus cũng cáo buộc Ukraine đưa 20.000 quân đến gần biên giới 2 nước, khiến “chúng tôi phải đáp trả”.
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp với các quan chức quốc phòng, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố quân đội nước này đã sẵn sàng chiến đấu và có thể "gây ra những thiệt hại không thể chấp nhận được cho đối thủ" trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài. "Tôi không ám chỉ bất kỳ ai, nhưng tôi muốn mọi người hiểu về phạm vi vũ khí mà chúng tôi đang có", Tổng thống Lukashenko cho biết.
Việt Anh