Theo CNN, Quốc hội Ukraine đã công bố quyết định trong một thông điệp đăng tải trên kênh Telegram hôm nay (30/5).
Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm xuất khẩu “các mặt hàng quân sự cũng như các hàng hóa có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự” cho Iran cũng như "đình chỉ các nghĩa vụ kinh tế và tài chính có lợi cho công dân Iran". Nhà chức trách Ukraine cũng cấm vận chuyển hàng hóa Iran qua lãnh thổ nước này cũng như cấm các máy bay của Iran di chuyển qua không phận của họ.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu phía Iran không trợ giúp quân Nga. Kiev hôm 28/5 cũng cảnh báo Tehran sẽ phải hứng chịu “các hậu quả” vì chuyển giao các UAV và vũ khí cho Moscow.
Mỹ cân nhắc viện trợ hệ thống tên lửa ATACMS cho Ukraine
Sputnik ngày 30/5 đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington vẫn đang xem xét việc chuyển giao các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn ATACMS cho Ukraine. Lãnh đạo Nhà Trắng đã tiết lộ thông tin trên với báo giới trước khi rời Washington để đến bang Delaware.
Theo truyền thông Nga, các tên lửa ATACMS có thể bắn trúng mục tiêu ở cách xa hơn 300km và có thể được bắn từ những bệ phóng phương Tây đã chuyển giao cho Ukraine, bao gồm cả bệ phóng HIMARS di động và bệ phóng M270 cũ hơn.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2/2022, các chính phủ phương Tây đã cung cấp cho Kiev nhiều loại khí tài khác nhau, kể cả tên lửa phòng không, hệ thống phóng tên lửa đa nòng, xe tăng, pháo tự hành và súng phòng không.
Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh không tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine để tránh leo thang xung đột. Hồi đầu tháng 5, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định, nước này chưa có kế hoạch gửi tên lửa ATACMS cho quốc gia Đông Âu.