Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa bao giờ là người "uốn lưỡi" nhiều khi nói, trong chuyến công du tới Ukraina mới đây cũng vậy. 

{keywords}
Tổng thống Petro Poroshenko là người duy nhất trong số 10 người giàu nhất Ukraina có tài sản ròng tăng lên trong năm vừa qua. Ảnh: JP

Phát biểu trước Quốc hội Ukraina, ông Biden nói với các nghị sĩ nước này rằng, nạn tham nhũng đang gặm nhấm Ukraina ‘như một chứng ung thư’, và cảnh báo Tổng thống Petro Poroshenko rằng Ukraina có ‘thêm một cơ hội’ để tiễu trừ tệ nạn này trước khi Mỹ cắt viện trợ.

Theo Reuters, đề cập tới tham nhũng tại Ukraina, tự các con số đã nói lên tất cả. Cố vấn của Văn phòng Chống tham nhũng Quốc gia Ukraina cho hay, hàng năm hơn 12 tỉ USD bốc hơi khỏi ngân sách nhà nước. Trong bảng xếp hạng của mình, Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Ukraina thứ 142 trong 174 nước có tình trạng tham nhũng tệ nhất thế giới, thậm chí còn thấp hơn cả Uganda, Nicaragua, Nigeria.

Người dân Ukraina cũng phải chịu các khoản hối lộ lặt vặt trong mọi lĩnh vực đời sống. Từ đăng ký xe cộ cho tới đưa con vào nhà trẻ, hay nhận thuốc men, tất cả những gì liên quan tới chính quyền đều có một cái giá phải trả.

Tham nhũng tệ nhất nảy nở trong mối quan hệ giữa các tài phiệt kinh doanh và các quan chức chính phủ. Một số nhỏ các tài phiệt kiểm soát 70% kinh tế Ukraina, và qua nhiều năm họ đã thâu tóm, làm cho các thể chế chính trị, pháp lý của Ukraina thêm suy đồi.

Hệ quả là, ‘văn hóa miễn phạt’ được hình thành, với việc các chính trị gia, quan tòa, công tố viên và các tài phiệt thông đồng trong một hệ thống tham nhũng mà ai cũng có lợi, trừ người dân.

Cụ thể, 1,8 tỉ USD trong khoản mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Ukraina vay nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng, đã biến mất khi chảy vào các tài khoản nước ngoài khác nhau cùng thuộc về PrivatBank của Ukraina. Ngân hàng này thuộc sở hữu của Ihor Kolomoisky – một trong các nhà tài phiệt hàng đầu Ukraina.

Theo nhóm chống tham nhũng Nashi Groshi, 42 hãng nhập khẩu của Ukraina (thuộc sở hữu của 54 thực thể nước ngoài) đã vay 1,8 tỉ USD từ PrivatBank. Các hãng nước ngoài sau đó sử dụng tiền của IMF để đặt các mặt hàng từ ‘các nhà cung cấp’ không có thật, với 1,8 tỉ USD tiền vay từ PrivatBank bảo đảm bởi các đơn hàng ‘ảo’.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp này chẳng bao giờ thực hiện đơn hàng, nên PrivatBank bỏ túi 1,8 tỉ USD và sau đó chuyển ra nước ngoài. Điều tra viên của Nashi Groshi lưu ý: “việc chuyển số tiền 1,8 tỉ USD ra nước ngoài với trợ giúp của các hợp đồng ảo đơn giản chỉ là một hoạt động bòn rút tài sản”.

Không may cho người dân Ukraina – cũng như những người đóng thuế ở phương Tây góp tiền cho IMF – là chẳng có ai ở Ukraina lẫn Kolomoisky phải chịu trách nhiệm cho việc này. Vụ việc dần khuất khỏi tầm nhìn của dư luận Kiev.

Những chính trị gia và thương gia quyền lực ở Ukraina còn có thể dựa dẫm vào các quan chức để bảo vệ họ khỏi các công tố viên.

Sau hai năm điều tra, các công tố viên Thụy Sĩ mới đây đã mở một vụ án điều tra Mykola Martynenko – một nghị sĩ thân thiết với Thủ tướng Ukraina Arsenyi Yatsenyuk – vì cáo buộc nhận khoản hối lộ 30 triệu USD thông qua một công ty của Séc, và ý đồ rửa tiền thông qua Thụy Sĩ.

Theo tờ Kyiv Post, dù phía Thụy Sĩ liên tục yêu cầu trợ giúp, nhưng quan chức Ukraina vẫn bảo vệ cho Martynenko, và Trưởng công tố Ukraina công khai từ chối theo đuổi vụ việc.

Thụy Sĩ không phải là nước duy nhất mà Ukraina từ chối hợp tác.

Trong cuộc điều tra làm sáng tỏ nghi vấn cựu Bộ trưởng Bộ Sinh thái Mykola Zlochevsky rửa số tiền 23 triệu USD, Cơ quan Điều tra các vụ lừa đảo nghiêm trọng của Anh đã yêu cầu chức trách Ukraina hợp tác. Kiev không chỉ khước từ yêu cầu của Anh, mà các công tố viên còn viết thư miễn tội cho Zlochevsky, buộc Anh phải ngừng đóng băng các tài khoản của Zlochevsky và hủy bỏ vụ án.

Theo giới phân tích, để ngăn bất bình của công chúng đang ngày một tăng, và giành lại hậu thuẫn của phương Tây, ông Poroshenko cần thực hiện các bước đi sau:

Đầu tiên, cần sa thải ngay lập tức Trưởng công tố Viktor Shokin. Đại sứ Mỹ tại Ukraina gần đây đã nhắc đến văn phòng của ông Shokin vì đã ‘công khai và hăng hái làm suy yếu cuộc cải cách’, và kêu gọi các nhà cải cách hàng đầu tại quốc hội và xã hội dân sự Ukraina tiếp tục gây sức ép buộc ông Shokin từ chức.

Tuy nhiên, ông Shokin vẫn tại vị, và vì ông là thân hữu của Tổng thống Ukraina nên điều này không quá khó hiểu.

Thứ hai, ông Poroshenko cần bán mọi tài sản trong đế chế hàng tỉ USD của mình như lời ông hứa hẹn khi tranh cử. Thực tế, Tổng thống Ukraina là người duy nhất trong 10 người giàu nhất nước có khối tài sản ròng tăng lên trong năm vừa qua, và ngân hàng của ông vẫn mở rộng trong khi các ngân hàng khác thì không.

Thứ ba là Tổng thống Ukraina cần tham gia vào công cuộc chống tham nhũng tại đất nước của ông. Và cuối cùng, ông cần thay thế Thủ tướng Yatsenyuk. Dù ông Yatsenyuk đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế và năng lượng, nhưng bản thân ông ta cũng đối mặt với các điều tra tham nhũng.

Tổng thống Poroshenko cần gia nhập hàng ngũ cải cách ở Ukraina để thúc đẩy đổi thay, còn nếu khước từ thì có lẽ ông nên từ chức.

Lê Thu