- Những núi tiền hàng tỷ USD được đại gia cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến Uber của Mỹ đổ vào các thị trường nhưng không hiệu quả. Chiến lược ‘bạo vì tiền’ dường như đã không thành công ở Trung Quốc và điều đó được dự báo có thể sẽ lặp lại ở các quốc gia Đông Nam Á.

Cú sốc tại Trung Quốc

Tháng 7/2016, sau 2 năm tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD tại Trung Quốc, đại gia cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến khởi nghiệp từ California đã phát đi thông báo về thỏa thuận sáp nhập với đối thủ Didi Chuxing.

Sau thương vụ, Uber sẽ nhận được 5,89% cổ phần của công ty hậu sáp nhập, tương đương với khoảng 17,7% cổ phần của Didi Chuxing.

Như vậy, cuộc chiến giành giật thị trường màu mỡ Trung Quốc của Uber đã không thành công như mong đợi của CEO Uber Travis Kalanick, với mục tiêu đề ra trước các cổ đông là sử dụng những nguồn tiền khổng lồ để mở rộng quy mô và thống trị thị trường Trung Quốc.

Với 2 tỷ USD đầu tư, chủ yếu do hỗ trợ cho lái xe hoạt động tiếp thị và khuyến mãi và cung cấp dịch vụ đi xe giá rẻ, lôi kéo người dùng và lái xe tại các thành phố, Uber vẫn thất bại trong việc giành giật thị phần từ đối thủ Didi Chuxing. Số liệu hiện tại cho thấy Didi Chuxing chiếm tới 85% thị phần thị trường đặt xe qua ứng dụng tại Trung Quốc, so với con số 8% của Uber.

{keywords}

Những núi tiền hàng tỷ USD được đại gia cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến Uber của Mỹ đổ vào các thị trường nhưng không hiệu quả.

Cú hợp tác với Didi lần này có lẽ không lạc quan như những gì mà CEO Uber Travis Kalanick chia sẻ trong bức thư gửi đồng nghiệp sau khi công bố thương vụ Didi-Uber. Đó có lẽ là bởi vì, Uber đã thâu tóm trượt Didi hồi 2013 khi mà DN này có giá trị chỉ 60 triệu USD, cũng giống như đế chế sụp đổ Yahoo đã thâu tóm trượt Google và Facebook trong thời kỳ đầu phát triển của 2 đại gia công nghệ này.

Cũng vào thời điểm đó, Tencent đã có được 20% cổ phần Didi chỉ với 15 triệu đô la Mỹ. Uber, ngược lại, ra mắt tại Trung Quốc, tiêu hàng tỷ, và rồi kết thúc cơ bản tương đương với những gì Tencent có. Đây là lý do khó có thể coi thương vụ Didi-Uber là một chiến thắng.

Có một thực tế giờ đã rõ ràng là, dù từng được kỳ vọng rất lớn, Uber không thể thống trị lĩnh vực cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến trên thế giới. Theo Bloomberg, ở Ấn Độ, đối thủ chính của Uber là Ola tuyên bố đang nắm giữ 75% thị phần. Tại Indonesia, đối thủ địa phương Gojek và Grab (có trụ sở tại Singapore) nắm giữ gần như toàn bộ thị trường. Tại Mat--cơ-va, Gett của Israel và DN địa phương Yandex.Taxi cùng nắm giữ 47% trong khi Ubeer có chưa tới 15%.

Tại Đức, MyTaxi nắm giữ 40% trong khi Uber chỉ cung cấp dịch vụ ở 2 thành phố là Berlin và Munich và bị cấm ở Frankfurt, Hamburg và Dusseldorf từ 2015. Và một số nước cũng đang dự định sẽ gạt Uber ra khỏi cuộc chơi. Những quy định chặt chẽ cũng đã khiến Uber phải ngừng hoạt động tại Hungary.

Đốt hàng tỷ USD: Có phải bền vững?

Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm, CEO Uber Travis Kalanick cho biết khoản thua lỗ cả tỷ USD tại Trung Quốc là đầu tư bền vững. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của công ty, nhưng cũng là một thử thách cho những chiến lược mới mà hãng đã từng áp dụng cho các thị trường khác, và nhấn mạnh việc đầu tư của Uber tại thị trường này mang tính bền vững.

Tuy nhiên, câu trả lời dường như đã có. Và giờ đây, giới đầu tư mới thán phục cú đầu tư của Apple vào Didi hồi đầu năm nay.

Trên thực tế, Uber đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt ở các thị trường châu Á như Ấn Độ và Indonesia kéo cho tới châu Âu. Các vấn đề mà Uber gặp phải là khác nhau ở mỗi nước. Nhưng điều đáng buồn là cách thức mà Uber áp dụng tại các thị trường lại giống nhau, ở tất cả mọi nơi. Đó là: xuất hiện gây chấn động rồi kích hoạt một cuộc chiến giảm giá (và thường đi kèm với một cuộc chiến pháp lý với các nhà quản lý thị trường). Uber “đốt tiền” cho tới khi các đối thủ chùn bước.

Mặc dù vậy, thực tế đã chứng minh Uber gặp rất nhiều khó khăn ngay cả khi mà chính quyền nước sở tại thiện chí với sự xuất hiện của Uber như trường hợp ở Ukraine. Cũng với phong cách thâm nhập ấn tượng, Uber cho khách hàng mới 5 chuyến đi miễn phí. Nhưng đáng tiếc là thật khó để gọi một chiếc xe sử dụng ứng dụng Uber. Người dân Ukraine nhanh chóng ngừng không thử dịch vụ này nữa.

Điều đáng lo ngại nhất với Uber giờ đây là sự thất vọng của các chủ đầu tư. Cho dù đã đốt hơn 2 tỷ USD nhưng Uber không thể chiếm được thị trường Trung Quốc. Trong khi đó khoản đầu tư 1 tỷ USD vào Didi của Apple dường như đúng đắn hơn.

Xu hướng đang rõ ràng hơn. Các NĐT đang đánh cược vào các DN địa phương vốn hiểu biết về đất nước của họ hơn là những đại gia muốn áp dụng một mô hình chung cho tất cả các thị trường trên thế giới. Những liên minh cũng đã hình thành. Và dường như không còn một thị trường nào, dù lớn hay nhỏ, phù hợp với chiến lược một cuộc chiến giảm giá và không mang về hiệu quả.

Tại Việt Nam, Uber vẫn đang chi khá “mạnh tay” cho việc hỗ trợ lái xe và khuyến mại cho người dùng. Mức hỗ trợ cho lái xe vẫn lên đến 50% doanh thu, và liên tục có các mã giảm giá, miễn phí chuyến đi cho người dùng và người sử dụng mới. Tuy nhiên, cú thất bại tại Trung Quốc cho thấy một thực tế là: hỗ trợ về giá có lẽ không phải là một chiến lược kinh doanh bền vững.

Trong khi đó, hoạt động của Uber luôn là một nhức nhối với cơ quan quản lý và các DN vận Tải. Trong khi cuộc tranh cãi về bản chất hoạt động Uber chưa kết thức thì cậu chuyện quản lý thuế của Uber lại là một thách thức. Cho đến nay, dù quảng bá và hoạt động rầm rộ nhưng chưa biết Uber đã nộp được bao nhiều tiền thuế.

Các quy định thắt chặt hoạt động đặt xe qua ứng dụng, sự kiểm soát chặt chẽ về việc đóng thuế… sẽ là trở ngại lớn đối với các DN kinh doanh không theo những quy định chung của các nước trong khu vực.

V. Minh