Cuộc họp kín cuối tuần trước của ban lãnh đạo Uber rốt cuộc đã dẫn đến việc phê chuẩn hàng loạt biện pháp cải tổ công ty. Đáng chú ý, người đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc điều hành (CEO) Uber Travis Kalanick chính thức tạm nghỉ làm từ ngày 13/6 và không hẹn ngày trở lại.
CEO Uber Travis Kalanick tuyên bố tạm nghỉ làm từ ngày 13/6. Ảnh: CNET |
Ông Kalanick tuyên bố trước toàn thể nhân viên của Uber rằng ông "sẽ nghỉ phép", nhưng không chọn người thay ông tạm thời đảm nhiệm vị trí CEO của công ty hay tiết lộ về ngày sẽ quay trở lại ghế lãnh đạo. Thay vào đó, theo ông Kalanick, Uber sẽ vận hành theo sự chỉ đạo từ những người báo cáo trực tiếp ông.
Trong khi đó, theo kết quả một cuộc điều tra nội bộ do cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder chủ trì (Uber thuê ông Holder điều tra các cáo buộc quấy rối tình dục, bắt nạt và phân biệt đối xử trong công ty), ông Kalanick sẽ phải chia sẻ hoặc trao lại một số quyền hạn trước đây cho các lãnh đạo cấp cao khác của công ty khi đi làm trở lại.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu công ty kinh doanh ứng dụng gọi xe có trị giá vốn hóa thị trường khoảng 60 - 70 tỉ USD cùng đội ngũ nhân viên hùng hậu lên tới 12.000 người có thể hoạt động thiếu một vị CEO điều hành trực tiếp trong bao lâu?
Jeffrey Pfeffer, một giáo sư danh tiếng thuộc Trường Kinh Doanh, Đại học Stanford (Mỹ) đã nghiên cứu rất sâu về lý thuyết các tổ chức, doanh nghiệp nhận định, câu trả lời sẽ là thời gian tương đối lâu, đặc biệt khi ông Kalanick vẫn có chân trong nhóm sếp hoạch định chính sách của công ty.
"Tôi có cảm giác là, hầu hết những thứ Uber đã làm nhằm báo hiệu họ đang thay đổi. Nhưng liệu họ có thực sự áp dụng những cải tổ hay không lại là một vấn đề khác", ông Pfeffer nói.
Ông Pfeffer đề cập đến các khúc mắc như nếu xảy ra bất đồng giữa bộ phận kinh doanh và bộ phận điều hành dịch vụ, ai sẽ là người đứng ra dàn xếp; hay nếu một trong những người báo cáo trực tiếp của ông Kalanick đe dọa nghỉ việc hoặc đảm nhận một công việc khác, ai có quyền trám vào chỗ trống này? Theo ông Pfeffer, nếu đó là ông Kalanick (ông khẳng định "sẽ vẫn có mặt khi cần cho các quyết định chiến lược quan trọng nhất"), thì ông thực sự không tạm nghỉ làm như tuyên bố.
Tuấn Anh (theo Techcrunch)