Ông là Trương Quốc Đô (SN 1951), ở thôn 5 Yên Thọ, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Trong khi nhiều nơi rừng bị "lâm tặc" tàn phá không thương tiếc, rừng lim nơi đây với những thân cây hai người ôm không xuể vẫn án ngự trên đồi Cồn Lim. Bao năm giữ rừng "không công", ông Đô khiến “lâm tặc” phải dè chừng, chùn bước mỗi khi tự tiện xâm phạm vào rừng.

Lớn lên từ rừng

Rừng Cồn Lim đúng như tên gọi của nó, bởi toàn bộ khu vực này đều phát triển rất nhiều cây lim quý hiếm. Theo những người già lớn tuổi nhất ở làng Yên Thọ, họ lớn lên rừng lim đã có. Rừng lim nuôi dưỡng nhiều thế hệ và che chở người làng suốt những năm chiến tranh đến bây giờ.

{keywords}
Ông Trương Quốc Đô chia sẻ câu chuyện giữ rừng lim.

Căn nhà gỗ 2 gian, như bao nhiêu ngôi nhà khác ở làng Yên Thọ của gia đình ông Đô nằm dưới tán khu rừng nguyên sinh Cồn Lim. Tuổi khá cao nhưng thân hình ông Đô nhìn rất rắn rỏi, khỏe khoắn, giọng nói hào sảng đúng chất dân sơn tràng xứ núi.

Bên câu chuyện về rừng lim, ông Đô kể, từ nhỏ, ông đã được cha dẫn vào rừng lim săn bẫy thú rừng. Trước đây, vùng này nhiều thú rừng lắm, nhờ vậy mà nuôi sống nhiều gia đình trong làng. Sinh ra và lớn lên dưới tán rừng, ông và đám bạn trong làng xem Cồn Lim như vườn chơi của mình. Khoảnh rừng nào cũng in dấu ký ức tuổi thơ của những người cùng thế hệ như ông Đô.

Trong chiến tranh, rừng Cồn Lim trở thành chiếc ô che mát cho bộ đội, lá rừng ngụy trang cho bộ đội vượt dãy Trường Sơn tiến vào Nam đánh giặc. "Ngay trên dốc đồi, đóng hẳn một xưởng công binh của bộ đội. Lúc ấy, rừng cây cối um tùm, vì thông thuộc rừng nên tôi thường làm liên lạc cho bộ đội. Người trong làng cũng nhờ những cây lim chắc chắn để làm hầm trú máy bay thả bom", ông Đô nhớ lại.

Sau chiến tranh, cánh rừng lim vốn hiên ngang trước bom đạn quân thù lại lâm vào đại nạn khi bị “lâm lặc” liên tục đua nhau khai thác gỗ quý. Lớn lên gắn với rừng, thấy những cây lim bị tàn phá kiệt quệ, ông Đô đau nhói trong tim mà không tài nào ngăn được. Năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân bảo vệ, ông nhận gần20 ha để giữ, chăm sóc và bảo vệ.

Đau đáu giữ rừng

Dẫn chúng tôi len lỏi dưới tán rừng lim theo lối mòn ông đã đi suốt gần 30 năm nay, ông Đô hào hứng khoe những gốc lim sừng sững hai người lớn ôm không xuể. Những năm sau chiến tranh, người ta đua nhau lên Cồn Lim khai thác gỗ. Ngày ngày, chứng kiến những gốc lim bị hạ sát không thương tiếc, ông buồn lắm.

"Không ngăn nổi người ta khai thác cả Cồn Lim, nhưng khoảnh sau nhà thì tui kiên quyết giữ. Người làng vào chặt củi, tui phải đi theo sợ họ chặt mất mấy gốc lim. Nhiều người cãi, rừng chi của ông mà ông cấm, tui quyết cản đến cùng, thậm chí còn dùng rựa dọa đánh.

Dần dần, người ta cũng nản, rồi bảo nhau: "thôi không đụng vào mấy cây lim của ông Đô"...", ông Đô cười kể lại. Đến lúc được giao rừng, danh chính ngôn thuận, ông Đô càng vững tâm chăm sóc bảo vệ rừng lim như sinh mệnh của mình.

Đến nay, qua hàng chục năm, rừng lim hồi sinh tươi tốt. Khu rừng Cồn Lim có nhiều cây lim cổ thụ quý hiếm với tuổi đời trên trăm năm, trị giá bạc tỷ. Ngoài ra, những cây lớn có đường kính khoảng từ 0,5-1m được ông gìn giữ, coi sóc như là “báu vật”.

Sở hữu rừng Lim có giá trị lớn, nhiều đầu nậu đã tìm đến nhà ông Đô để hỏi mua nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Nhiều người hỏi mua không được thì nhăm nhe, dọa chặt trộm. Nhiều năm qua, “lâm tặc” thâm nhập rừng không kể xiết khiến ông và con cháu không ít phen lao đao, vất vả để bảo vệ rừng. Cứ mỗi lần nghe tiếng máy cưa, thì dù đang làm việc gì, ông cũng tức tốc vào rừng kiểm tra. Chuyện ông quần nhau với bọn lâm tặc trong rừng lim xảy ra như cơm bữa.

Chừng 2 năm trước, khi nghe tin ông Đô vắng nhà, một nhóm “lâm tặc” 3 người trong xã vờ làm người đốn củi, tự ý thâm nhập vào rừng. Nghe tin, ông Đô tức tốc trở về, nhắc nhở họ lên rừng chặt củi chứ không được chặt cây sống. Nghi ngờ nhóm này vào đây cưa gỗ lim, ông Đô đã bí mật theo dõi và bắt quả tang hành vi rồi báo cho lực lượng chức năng.

{keywords}
Chặt tỉa, phát quang để chăm sóc cây lim là công việc suốt gần 30 năm qua của ông Trương Quốc Đô.

Suốt gần 30 năm giữ rừng, không biết bao nhiêu lần phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng ông chưa bao giờ nản chí, mà ngày càng quyết bảo vệ từng cây rừng. Những ngày mùa hè, nắng oi bức nên rừng dễ bị cháy, ông phải rảo quanh từng khoảnh rừng để kiểm tra cẩn thận.

Hễ thấy người lạ vào rừng là ông đuổi ngay, còn người dân vào lấy củi khô thì được ông nhắc nhở cẩn thận , như: không hút thuốc, không đốt ong và sử dụng vật dụng dễ cháy nổ..., đồng thời, theo sát hoạt động của họ rồi mới yên tâm ra về.

Nhờ sự chăm sóc, bảo vệ chu đáo mà rừng của ông Đô ngày càng phát triển tươi tốt. Trong rừng có hàng trăm cây lim vươn cao lên bầu trời, hàng ngàn cây nhỏ khác cũng đang vươn mình lớn dậy. Ngoài lim, trong rừng ông Đô còn có rất nhiều loại cây gỗ quý khác, như: cây đỏ lòng, ngát, trám có kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Giờ đây tuổi đã cao, không còn thường trực trong rừng như ngày trước nữa, nhưng sáng nào ông cũng phải đi một vòng mới yên lòng. Ông tâm sự, cuộc đời ông gắn với Cồn Lim, với vùng đất này, chẳng thể đi đâu xa vì cứ hễ đi xa rừng một hôm là thấy nhớ, lòng cứ đau đáu khôn nguôi.

Ông Đô có 9 người con trai, nhưng hầu hết đều tìm cho mình công việc riêng, thi thoảng rảnh rỗi mới giúp ông phát quang bụi rậm, chăm sóc rừng lim. "Bởi việc chăm sóc bảo vệ rừng thù lao không đáng kể, đứa mô cũng phải tìm việc làm khác để nuôi sống gia đình", ông Đô chia sẻ. Và điều ông trăn trở nhất là mai này nằm xuống, các con ông liệu có còn tâm huyết để giữ rừng lim nữa hay không...?
 
(Theo Báo Quảng Bình)