Điều đặc biệt, chủ nhân sáng chế ra chiếc máy ấy đã gần 60 tuổi và là một người con của vùng đất cà phê tại xã Hua La, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La.
Sinh năm 1962 tại bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La (TP.Sơn La), ông Nguyễn Xuân Thao đã sớm cảm nhận được nỗi khổ của người dân ở nơi vùng cao đèo dốc này khi cuộc sống chỉ dựa vào nương rẫy, làm quần quật quanh năm mà vẫn bị cái đói, cái nghèo đeo bám.
Vì có sở thích hay "tò mò, táy máy" với các loại máy móc và muốn có cuộc sống tốt hơn thoát ly khỏi vùng đất cằn, ông đã theo học lớp cơ khí chế tạo và đến năm 1996 thì ông vào miền Nam làm việc cho một công ty chuyên sản xuất máy xát gạo.
Quê hương của ông Thao, xã Hua La là vùng trồng cà phê có tiếng của tỉnh Sơn La. Chính sự vất vả của gia đình và bà con làng xóm trong việc sơ chế cà phê đã thôi thúc ông sáng chế ra máy bóc vỏ cà phê tiện lợi. |
Ở miền Nam, ông Thao say sưa làm việc, chế tạo ra hàng trăm chiếc máy xát, kiếm được thu nhập cao.. Nhưng cuộc sống phồn hoa nơi đô thị và cả những tiếng búa, tiếng máy cưa hàng ngày cũng không làm mờ đi nỗi nhớ quê hương luôn đau đáu trong ông.
“Mỗi lần về thăm quê tôi lại thấy thương bà con lắm. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào cà phê. Những nương cà phê xanh mướt được họ dày công chăm sóc nhưng lúc bán quả lại bị ép giá. Một số tư thương còn lợi dụng bán máy móc nông nghiệp với giá cao càng khiến cuộc sống của họ khốn khổ hơn.” ông Thao chia sẻ.
Những hình ảnh cả gia đình ngày, đêm còng lưng xát vỏ cà phê và cả câu chuyện người dân phải mua máy móc sản xuất với giá cao luôn hiện trong đầu ông, khiến ông suy nghĩ mình cần phải làm điều gì đó giúp đỡ cho bà con. Và rồi ông Thao quyết định trở về quê hương lập nghiệp sau gần 10 năm bôn ba nơi xứ người.
“Năm 2006 tôi về Sơn La quyết tâm làm giàu từ vườn cà phê mà bố mẹ tôi để lại và trong đầu tôi luôn nghĩ là phải làm sao tìm chiếc máy tách vỏ cà phê tiện dụng, có giá rẻ để cho những người trồng cà phê đỡ khổ. “ ông Thao bộc bạch.
Nghĩ là làm, ông Thao lại khăn gói vào Lâm Đồng, Nha Trang để tìm hiểu về loại máy xát vỏ được nhập từ nước ngoài về nhưng vì đó là loại máy dành cho các doanh nghiệp lớn với công suất và giá bán rất cao nên không phù hợp cho các hộ dân ở Sơn La. Với kiến thức và kinh nghiệm có được khi làm nghề chế tạo máy xát gạo ở miền Nam, ông Thao nghĩ ngay đến việc tự chế ra chiếc máy bóc vỏ cà phê phù hợp với hộ gia đình.
Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Thao đã chế tạo ra chiếc máy bóc vỏ cà phê liên hoàn với những tính năng vượt trội |
Ông đi khắp nơi xin các loại máy bóc vỏ đã bị cũ, hỏng rồi về tháo ra, tìm hiểu cơ chế hoạt động của nó. Đến năm 2007, ông Thao đã nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy bóc, tách vỏ cà phê đầu tiên với công suất 2-3 tấn/giờ và giá bán rẻ hơn nhiều so với những chiếc máy mà bà con mua trước đó. Chiếc máy này giúp bà con giải phóng sức lao động nhưng vẫn còn một số điểm hạn chế khiến ông Thao vẫn còn trăn trở.
Thu “quả ngọt” ở tuổi 60
Ông Thao không ngừng học hỏi, nghiên cứu để cải tiến chiếc máy bóc, tách vỏ cà phê cho hoàn thiện hơn. Và quả thật, trời đã không phụ lòng người khi vào năm 2016, ông Thao “trình làng” chiếc máy bóc tách vỏ cà phê liên hoàn làm bằng thép tấm, thép hình V5 với những chức năng vượt trội.
Ông Thao chỉ vào chiếc máy mới coong, còn vương mùi sơn rồi giới thiệu: “Chiếc máy này gồm 7 bộ phận: Vít tải cà phê, thùng rửa quả, thùng chứa nước, cối tách vỏ cà phê tươi, quạt gió, sàng phân loại, vít đãi hạt cà phê.”
Từng bộ phận của máy được đánh số để thuận tiện cho việc hướng dẫn sử dụng cho bà con. |
Theo ông Thao chiếc máy xát, tách vỏ cà phê này sẽ tự động làm hết mọi việc mà không cần con người phải bỏ sức lao động. Những quả cà phê sẽ được vít tải lên và cho vào thùng rửa sạch, loại bỏ sạn, đá rồi được chuyển qua sàng để tách nước. Số nước này sẽ được gom vào thùng sau đó được bơm vào thùng chứa nước ban đầu để tái sử dụng rửa quả.
Cà phê sau khi tách nước sẽ được cho vào cối để tách vỏ, đầu ra của cối có quạt gió phân tách vỏ quả và hạt. Hạt cà phê được tách vỏ sẽ được đưa vào sàng phân loại. Những hạt cà phê đạt tiêu chuẩn sẽ được vít đãi rửa quả đặt chìm trong nước hoặc phun ra từ ống lõi để rửa, tách nhớt trước khi đưa ra sân phơi.
‘Chiếc máy này được cải tiến trên cơ sở chiếc máy cũ tôi chế tạo năm 2007 nên sẽ có nhiều ưu điểm hơn. Cùng một lúc nó có thể giúp người nông dân vừa bóc tách vỏ cà phê tươi, vừa sàng lọc, phân loại chất lượng cà phê giúp giảm chi phí nhân công, hạn chế lượng nước thải ra môi trường.” ông Thao phấn khởi chia sẻ.
Nhờ sử dụng ít nước trong quá trình hoạt động, hạn chế lượng nước thải ra nên chiếc máy không gây ô nhiễm môi trường. |
Với việc cải tiến 1 số chi tiết, chiếc máy bóc tách vỏ cà phê liên hoàn của ông Thao có thể bóc, tách được 9 tấn quả/ tiếng, hiệu quả gấp 3 lần so với máy cũ. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động máy chỉ sử dụng một lượng nước khá ít, khoảng 0.9 m3/tấn trong khi các máy trên thị trường “ngốn” hết khoảng 2 m3/tấn. Điều này không những tiết kiệm nguồn nước mà còn làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải từ rửa quả cà phê.
Những chiếc máy bóc vỏ cà phê liên hoàn đầu tiên được ông Thao thử nghiệm cho gia đình mình, sau khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt mà nó mang lại thì ông mới sản xuất và bán cho các nông hộ quanh vùng.
Bà con mua máy này được ông Thao bảo dưỡng, sửa chữa miễn phí, giá tiền cũng hợp lý so với thị trường. Ở tuổi xấp xỉ 60, ông Thao vẫn không ngần ngại đi đến từng nhà dân để hướng dẫn cách sử dụng và sửa chữa máy dù ngày nắng hay mưa nên bà con trong vùng ai cũng yêu quý ông.
Những hạt cà phê Sơn La cho hương vị thơm ngon, đậm đà một phần cũng nhờ có quá trình bóc, tách vỏ cà phê nhanh chóng, hiện đại, không làm biến đổi mùi vị của cà phê. |
Tiếng lành đồn xa, giờ đây máy bóc vỏ cà phê liên hoàn của ông Thao đã được bán ở các nơi như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, với mức giá từ 40 – 50 triệu đồng/ máy.
Năm 2017, máy bóc tách vỏ cà phê do ông Thao chế tạo đã được UBND tỉnh Sơn La cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đồng thời chiếc máy này cũng đang được tỉnh nhà lựa chọn tham dự sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp Trung ương năm 2019.
(Theo Dân Việt)