
U17 Indonesia: Lịch sử và vận may
U17 Indonesia có kỳ U17 châu Á mang tính lịch sử: giành 9 điểm tuyệt đối sau vòng bảng, thành tích mà chỉ có U17 Uzbekistan là đội thứ hai đạt được.

Chiến thắng này giúp Indonesia lần thứ 2 liên tiếp tham dự giải U17 World Cup, sau kỳ 2023 mà họ là chủ nhà.
Evandra Florasta ghi 3 bàn thắng cho U17 Indonesia, nằm trong số các cầu thủ dẫn đầu danh sách đua tranh Vua phá lưới, cùng Kim Eun Seong (Hàn Quốc), Asilbek Aliev (Uzbekistan) và Minato Yoshida (Nhật Bản).
Ngoài ra, 4 bàn khác được chia đều Fadly Alberto và Zahaby Gholy. Dù chỉ có 3 cầu thủ ghi bàn, nhưng thực tế chiều sâu đội hình Garuda Muda rất tốt.
HLV Nova Arianto, học trò của Shin Tae Yong, đã sử dụng 19 cầu thủ trong 3 trận U17 châu Á. Chỉ 4 người chưa vào sân, trong đó có 2 thủ môn dự bị.
Đây là thành quả từ sự đầu tư của LĐBĐ Indonesia (PSSI), đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Erick Thohir. Họ xây dựng phương án đào tạo và cơ sở chất lượng, thường tập huấn ở các nền bóng đá mạnh.
PSSI là một trong những liên đoàn giàu nhất thế giới. Bản thân Thohir là một tỷ phú, từng điều hành Inter Milan, đội ĐKVĐ Serie A và nhiều cơ hội vào bán kết Champions League, nên không ngại về tài chính trong việc đầu tư cho bóng đá trẻ.

Trong một thời gian, phương pháp của cựu HLV Shin Tae Yong góp phần giúp bóng đá Indonesia phát triển mạnh, về thể chất lẫn kỹ thuật và chiến thuật. Ông từng dẫn Hàn Quốc ở World Cup 2018 với nhiều dấu ấn.
Indonesia hái quả ngọt sau những gì họ vun trồng. Bên cạnh đó, phải thừa nhận Garuda Muda có phần may mắn.
U17 Indonesia thắng may U17 Hàn Quốc 1-0. Ở bảng C, họ gặp U17 Yemen có tuổi trung bình trẻ nhất (15,9); trong khi U17 Afghanistan lần đầu tiên đến với giải châu Á.
Tự hào Việt Nam, Thái Lan thảm bại
Tờ Bola của Indonesia cảm thấy tiếc cho U17 Việt Nam: “Dù hụt vé World Cup, nhưng nỗ lực của ‘Những chiến binh Sao vàng’ xứng đáng được ghi nhận”.
Theo bình luận của Bola, “U17 Việt Nam có kỳ U17 châu Á xuất sắc”. Tờ báo trích lời HLV Cristiano Roland: “Dù không thể đi tiếp, tôi vẫn rất tự hào về màn trình diễn của đội”.

Người hâm mộ cũng tự hào về bước chân của các cầu thủ trẻ trong những ngày ở Saudi Arabia.
LBBĐ Việt Nam (VFF) không mạnh về tài chính như PSSI, nhưng có chiến lược phát triển bóng đá trẻ hợp lý.
VFF và các CLB, cũng như những trung tâm đào tạo trẻ, có sự liên kết để tìm hướng đi phù hợp, giúp các cầu thủ nhí có cơ hội cọ sát.
Tinh thần chiến đấu và kỹ thuật của U17 Việt Nam thực sự đáng khen. Tiếc là đội quân của HLV Cristiano Roland rơi vào bảng đấu quá mạnh.
U17 Nhật Bản giữ kỷ lục vô địch U17 châu Á; U17 Australia có nền tảng là lứa U16 vô địch Đông Nam Á 2024, cũng là khách quen của World Cup; hay U17 UAE cũng có 3 lần dự ngày hội bóng đá thế giới trước đó.
Điều quan trọng là hành trình tương lai. Bản thân ông Cristiano Roland, đặc biệt là các CLB, cần giúp đội ngũ U17 hiện nay phát triển đúng hướng cho mục tiêu trung và dài hạn: World Cup 2030, Asian Cup 2031. Gần hơn là Olympic Los Angeles 2028, tại sao không!
Bóng đá trẻ Việt Nam và Indonesia đều tiến bộ, nhưng Thái Lan thì không, và thất bại tại U17 châu Á nói lên điều này.

Thái Lan không vô địch U16 Đông Nam Á trong 6 kỳ gần nhất, với 4 trận chung kết thất bại; trắng tay 4 kỳ U19 khu vực vừa qua; 3 lần liên tiếp không giành HCV SEA Games – điều chưa từng diễn ra kể từ khi giới hạn độ tuổi năm 2001.
Chayakorn Tanaddernkao, người từng là quyền HLV U17, cho rằng LĐBĐ Thái Lan (FAT) không đủ quan tâm đến đào tạo trẻ.
Ông Chayakorn cũng chỉ trích các CLB quan tâm lợi ích riêng, nhất là về kinh tế, nên sự phát triển của các cầu thủ trẻ cũng bị hạn chế.
Hơn nữa, FAT không tìm thấy tiếng nói chung với các CLB Thai League, dẫn đến việc xếp lịch thi đấu gây bất lợi cho các cấp độ ĐTQG.
Người Thái hy vọng nhiệm kỳ Madam Pang là chủ tịch FAT sẽ giúp bóng đá xứ chùa vàng tìm lại vị thế hàng đầu khu vực, hoặc ít nhất đạt bước tiến như Indonesia và Việt Nam.


Báo Đông Nam Á: Tiếc vì U17 Việt Nam rơi vé World Cup

Xác định hai cặp tứ kết đầu tiên tại VCK U17 châu Á 2025

U17 Việt Nam lỡ hẹn World Cup, HLV Cristiano Roland nói gì
